24/05/2014
Trường hợp ông Đinh
Đăng Định (1963-2014)
Bác Sĩ T. K. TRAN (MRVN)
Nếu hồ sơ y tế là một bí mật nhà nước…
Trong nhiều tuần, các cơ quan công quyền đã để ông Định và
gia đình ông trong sự mù mờ không rõ về bệnh tật của mình. Đơn xin tham khảo hồ
sơ bệnh đã bị quản lý trại giam từ chối: họ không có trách nhiệm quản lý bệnh tật
của những tù nhân. Họ nói trách nhiệm này thuộc về bệnh viện điều trị (2).
Yêu cầu với các bác sĩ điều trị không có kết quả: Các bác
sĩ không được phép trao hồ sơ bệnh án mà không có sự phê duyệt của Bộ Công An.
Đơn xin gửi đến các cơ quan có thẩm quyền này cũng không được đáp ứng: không ai
bận tâm đến việc xét đơn của ông Định và gia đình cả. Và điều này vẫn như thế
cho đến bây giờ. Các hồ sơ y tế vẫn được giữ kín như bí mật nhà nước. Các Đại sứ
quán EU (Liên Minh Âu Châu) và đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng đã đồng loạt gửi
kháng thư phản đối nhà cầm quyền Việt Nam về điều này (3).
Việc tái tạo lại một bệnh án được dấu kín.
Bài viết này cố gắng trình bày lại diễn tiến bệnh tình của
ông Định, mặc dù không sở hữu tài liệu chính thức. Công việc này dựa trên những
thông tin cung cấp bởi gia đình ông Định, một phần đã phát tán trên các phương
tiện truyền thông, một phần từ tiết lộ riêng tư, một số chi tiết được công bố lần
đầu tiên.
Tại sao ông Đinh Đăng Định bị ung thư dạ dày?
Trong khi điều trị, các bác sĩ hàng ngày phải đối đầu với
các câu hỏi của bệnh nhân: tại sao lại là tôi? Tại sao tôi bị mắc bệnh này?
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể trả lời cụ thể được, ví dụ là câu trả lời
cho một người hút thuốc liên tục đang bị ung thư phổi.
Trong trường hợp ung thư dạ dày câu trả lời khó khăn hơn, bởi
vì nguyên nhân rất đa dạng. Nguyên nhân chính của ung thư ở cuống dạ dày là sự
nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori. Nhiễm trùng do H. pylori luôn luôn
gây ra viêm dạ dày mãn tính. Khi bệnh này nặng thêm, sẽ dẫn đến chứng teo màng
nhầy của dạ dày ở một số bệnh nhân. Cộng thêm vài yếu tố khác của người bệnh và
các yếu tố môi trường, chứng này sẽ dẫn đến ung thư dạ dày. Những yếu tố này có
thể là chế độ dinh dưỡng sai lầm, là tình trạng đã loét dạ dày, hoặc trong gia
đình đã có người bị mắc bệnh này (4).
Trong trường hợp ông Định, chúng ta không thể xác định
nguyên nhân nếu không khám trực tiếp và không biết tiền án bệnh của ông. Án tù
của ông không phải là nguyên nhân trực tiếp căn bệnh.
Tiến trình một căn bệnh nguy hiểm ngấm ngầm.
Ung thư dạ dày là một căn bệnh nguy hiểm, bởi vì các triệu
chứng ban đầu rất đa dạng và mơ hồ. Nhưng nếu có ói ra máu, chảy máu đường tiêu
hóa và có những triệu chứng chẳng hạn như bụng khó chịu, thường xuyên nôn mửa,
ăn uống không được, giảm cân... thì đó là những dấu hiệu báo động khẩn cấp.
Vào tháng 10 năm 2011, ông Định bắt đầu một cuộc tuyệt thực
10 ngày để phản đối việc công an đã tra tấn ông để buộc phải nhận tội. Trong thời
gian này ông đã ói mửa ra máu nghiêm trọng. Vợ ông xin nhà giam cho ông đi khám
nghiệm, song đơn xin bị từ chối. Sau đó ông vẫn luôn bị đầy bụng, khó chịu
trong người. Những người có trách nhiệm lại không lưu tâm tới tình trạng đau bụng
liên miên của người phạm nhân. Chẳng những thế, ông Định lại còn bị đưa vào bệnh
viện tâm thần Biên Hòa vài tuần. Chắc hẳn là nhà giam cho rằng ông Định bị bệnh
do tâm lý?
Ngày 14 tháng 4 năm 2013 ông được đưa khẩn cấp vào bệnh viện
Đồng Xoài. Xuất viện một ngày sau đó, mặc dù vẫn đau bụng dai dẳng.
Vào ngày 3.9.2013, sau khi bị đột quỵ, trong tình trạng sức
khoẻ rất kém, ông được chuyển từ trại giam An-Phước tới bệnh viện 30 tháng 4 của
Bộ công an ở Sài Gòn. Gần hai năm kể từ khi dạ dày ông chảy máu, đây là lần đầu
tiên ông Định được nghiêm túc chuẩn khám tại Bệnh Viện. Ở đây khối u dạ dày đã
được phát hiện bằng nội soi (5).
Ngày 5.9.2013 ông được nhập viện.
|
|
|
|
Tấm hình trên, bên trái,
chụp phần dạ dày đã bị cắt bỏ. Trong hình thấy được phần loang lổ màu trắng
ngà, có thể đó là khối u đã xâm nhập tới thành dạ dày. Tấm hình bên phải cho thấy
màng nối (omentum) bị cắt bỏ. Các hạch bạch huyết trong đó sẽ được giảo nghiệm.
(Hình do thân nhân bệnh nhân cung cấp).
Ung thư dạ dày của ông trong giai đoạn III hay giai đoạn
IV?
Ngày 18.9.2013 phẫu thuật cắt bỏ ¾ dạ dày và các hạch bạch
huyết xung quanh. Khi các bác sĩ chọn phương án cắt ¾ dạ dày, thì có thể khẳng
định là khối u nằm gần cuống da dày. Bởi vì nếu khối u nằm gần với thực quản
thì đã phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày.
Bà Dinh, vợ của ông kể như sau… “Đến hôm mùng hai
tháng mười tôi hỏi thì bác sĩ mổ cho anh ấy nói là anh ấy bị ung thư dạ dày và
đã chuyển tới các hạch rồi. Tôi xin hỏi kết quả xét nghiệm thì bác sĩ nói là
người ta còn đang phân tích tiếp” (6). Con gái ông cho biết là các bác sĩ
điều trị cứ để gia đình người bệnh mơ hồ không rõ là khối u lành tính hay ác
tính. Phải đến cả tháng sau đó, người ta mới báo là khối u trong dạ dày là chắc
chắn ác tính.
Ngày 16.12.2013, trong thư trả lời của đại tá Phan Đình
Hoàn, giám thị trại giam An Phước gửi cho bà Dinh, đại tá Hoàn cho biết: “…
theo nội dung tóm tắt bệnh án của bệnh viện 30/4 số 78 ngày 21.10.2013 và số 96
ngày 26.11.2013... tình trạng bệnh của phạm nhân Định là ung thư dạ dày di căn
hạch (nhưng là giai đoạn 3, chưa phải là giai đoạn cuối)” (5).
Giai đoạn III hay giai đoạn IV nghĩa là gì?
Mức độ trầm trọng của bệnh ung thư phụ thuộc vào sự phát
triển của khối u (T1 -T4), số lượng các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng (N0-N3)
cũng như di căn xa (M) ở các cơ quan khác ví dụ trong gan, phổi hoặc xương…
Cách xếp hạng này rất quan trọng không chỉ cho việc lập kế hoạch điều trị, mà
còn cho tự do hay tù đày của phạm nhân nữa, bởi vì nhà cầm
quyền sẽ dựa theo các giai đoạn ung thư mà tha khỏi tù hoặc tiếp tục giam giữ
(5).
Yếu tố quan trọng quyết định cho giai đoạn IV là di căn xa
(M1), hoặc cũng có thể là khi tế bào ung thư đã xâm nhập các cơ quan chung
quanh với vài hạch (N1/N2).
Khi hơn 15 hạch bạch huyết bị xâm nhập (N3), ung thư được
phân loại là giai đoạn IV, bất kể mức độ xâm nhập của khối u, ngay cả không có
di-căn xa.
Giai đoạn III có nghĩa là ung thư chưa thâm nhập vào mô của
các cơ quan bên cạnh, chỉ có ít hạch bạch huyết bị xâm nhập và không có di-căn
xa. Xin xem thêm biểu đồ ở dưới:
PHÂN HẠNG CÁC GIAI ĐOẠN UNG THƯ (UICC / AJCC 1997)
|
||||
UICC-Giai Đoạn Ung Thư
|
TNM-Phân Hạng
|
Tỷ lệ sống còn sau 5 năm (%)
|
||
I A
|
T1
|
N0
|
M0
|
82
|
I B
|
T1
T2
|
N1
N0
|
M0
M0
|
69,2
|
II
|
T1
T2
T3
|
N2
N1
N0
|
M0
M0
M0
|
43,7
|
III A
|
T2
T3
T4
|
N2
N1
N0
|
M0
M0
M0
|
28,6
|
IIIBA
|
T3
|
N2
|
M0
|
17,7
|
IV
|
T4
tất cả T
tất cả T
|
N1, 2
N3
tất cả N
|
M0
M0
M1
|
8,7
|
* Österreich.Ges. für
Chirurgie
Tại thời điểm phát hiện ung thư thì ung thư đã là giai đoạn
III hay đã là giai đoạn IV (giai đoạn cuối)? Đó là một câu hỏi chưa được trả lời.
Giai đoạn Hậu Phẫu Thuật: Một giai đoạn cực kỳ gian nan.
Một thời gian ngắn sau khi được mổ, tình trạng của ông lúc
đầu có khá thêm. Ông được chuyển về trại giam An Phước trở lại. Nhưng sau đó chẳng
bao lâu tình trạng mỗi ngày một xấu đi, nhiều lần dạ dày tiếp tục chảy máu. Con
gái ông kể rằng khi đến thăm ông thì thấy ông mỗi ngày một yếu đi.
Ngày 4.11.2013 ông Định được đưa từ trại giam An Phước đến
bệnh viện 30 tháng 4 ở Sài Gòn, cách xa 120 km để bắt đầu hóa trị đợt một. Sau
khi được truyền thuốc hóa chất, ông không được nằm lại bệnh viện mà lại được
đưa trở về trại giam. Ở đây, ông bị tác dụng phụ của hóa trị với sốt, đau bụng
và ói mửa rất nặng, nên được đưa trở lại bệnh viện. Ba ngày sau đó lại về trại
giam. Ở trại giam, vẫn bị ói mửa liên tục. Ông Định cho biết trại giam An Phước
đã cắt hết các loại thuốc dùng trong bệnh viện.
Ngày 25.11.2013 trại giam đưa ông Định trở lai bệnh viện 30
tháng 4 một ngày để dược làm hóa trị đợt hai. Về lại trại giam, ông lại bị chảy
máu dạ dày liên tục trong mười ngày. Bác sĩ điều trị cho rằng ông bị viêm vết nối
sau khi mổ và cho uống thuốc chống viêm.
Ngày 17.12.2013 dự kiến là ông sẽ được chữa hóa trị đợt ba.
Ở bệnh viện 30 tháng 4, ông Định yêu cầu bệnh viện cho biết bệnh án của ông và
tên các loại thuốc chữa cho ông. Do bệnh viện không đáp ứng các yêu cầu của
ông, ông Định từ chối việc tiếp tục chữa bằng hóa trị. Ngày 18.12.2013 các Đại
Sứ Quán Mỹ, Canada, Australia và các nước Âu Châu (EU) gửi kháng thư lên chính
phủ Việt Nam tỏ ý quan ngại về tình trạng của ông Định và đề nghị phóng thích
ông (3). Ông Định bị đưa trở lại trại giam An Phước ngày 25.12.2013.
Ở đây tình trạng ngày càng tồi tệ nên ông lại được chuyển tới
khu “Nội 4” bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn ngày 6.1.2014. Khu này bị tình trạng quá
tải: ba tới bốn bệnh nhân chia một giường nên gia đình xin cho ông được nằm
phòng riêng. Tới ngày hôm sau, ông được chuyển tới khu “Chăm Sóc Giảm Nhẹ”. Đây
là một khu đặc biệt trong bệnh viện dành cho những bệnh nhân nan y không còn
phương chữa trị, nằm chờ đợi ngày chết trong thanh thản. Có bốn bệnh nhân trong
một phòng bốn giường. Tuy nhiên gia đình ông phải trả thêm tiền cho việc này
(250.000 đồng/ngày). Bên giường ông luôn luôn có 3 công an và máy camera quay
phim 24/24 tiếng: Canh giữ liên tục một bệnh nhân kiệt quệ, không còn sức đến nỗi
khi nôn mửa vẫn phải nằm, hay không thể rời khỏi giường khi muốn đi tiêu tiểu...
Ở khu này trong hai tuần đầu tiên ông Đinh được khám nghiệm
bằng nhiều phương pháp khác nhau, song không có trị liệu gì đặc biệt. Được hỏi
về trị liệu, các bác sĩ hoặc là “hoãn binh”, nói là phải chờ đợi hội ý với các
bác sĩ đã chữa trị ông ở bệnh viện 30 tháng 4, hoặc là ngạo mạn trả lời: “nếu
cô không đòi bệnh án, thì chúng tôi sẽ cho hóa trị...”. Trong thời gian này ông
bị thêm chứng suy thận, đi tiểu rất khó khăn.
Ngày 13.2.2014 thực hiện chữa hóa trị lần thứ ba. Dự kiến
là sau đợt hóa trị này, ông Định lại sẽ được đưa về trại giam, song trong đêm
ông bị phản ứng phụ rồi nôn ói ra máu nhiều tới mức mà con gái ông mô tả là
“máu ra đầy một cái bô” (7). Do đó ông được ở lại bệnh viện.
Ngày 15.2.2014 ông nhận được giấy cho phép tạm hoãn thi
hành án tù mười hai tháng. Từ ngày đó ông không còn bị công an và máy camera
canh giữ nữa.
Ngày 17.2.2014 ông phải rời khu “Chăm Sóc Giảm Nhẹ” để trở
lại khu “Nội 4”, nằm chung một giường với ba bệnh nhân khác, trong một bệnh viện
quá tải trầm trọng. Phần dạ dày còn lại của ông được bác sĩ điều trị mô tả “như
một đám rừng, không còn chức năng co bóp nữa” (7). Thức ăn từ miệng đưa vào sẽ
không được hấp thụ và sẽ bị nôn ói trở ra. Chứng suy thận càng nặng thêm.
Sau một thời gian được truyền nước biển, chất đạm và chất
đường mỗi ngày để sống cầm cự, ông Đinh quyết định bỏ Tây Y, dùng thuốc Nam.
Sau ít ngày dùng thuốc Nam, bệnh tình của ông cũng không bớt được chút nào.
Tới giữa tháng 3.2014 gia đình đưa ông tới Columbia Asia, một
bệnh viện quốc tế tư ở Sài Gòn để tìm cách chữa trị. Ở đây ông nằm phòng cấp cứu
và được khám nghiệm đầy đủ. Bằng nội soi, người ta đã thấy khối u lại xuất hiện
trong dạ dày của ông (8).
Hình ngày 13.3.14 của bệnh
viện ColumbiaAsia chụp nội soi dạ dày của ông Định với khối u mới.
Gia đình ông được bệnh viện khuyên là nên từ bỏ việc chữa
trị vì không còn hy vọng nào nữa. Ông Đinh được đưa trở về nhà ở Đak Nông theo
như ý nguyện, và mười tám ngày sau đó, ngày 3.4.2014 ông mất.
Nhìn lại diễn tiến định bệnh và chữa bệnh: Những tắc trách
đáng tiếc và những câu hỏi cần được trả lời...
Đứng từ vị trí của một người ngoài cuộc, không phải là thân
nhân của ông Định, nhìn lại diễn tiến bệnh tình của ông thì không thể không đặt
vài câu hỏi:
1. Tại sao việc chuẩn đoán bệnh ung thư của ông Định
lại quá trễ?
Vào đầu tháng 11 năm 2011 ông Định lần đần tiên nôn ói và
đi tiêu ra máu. Bà Dinh, vợ của ông kể lại như sau: “Hôm ngày 8 tháng 11,
tôi có đi thăm chồng tôi và lúc đó ông đang chảy máu dạ dày. Tôi về có làm đơn
xin để chồng tôi đi khám và chữa bệnh ở bệnh viện và gửi vào trại giam, nhưng
chồng tôi (đến nay) cũng không được đi mà chỉ được điều trị ở trạm xá của trại
giam thôi (9). Cô Thảo, con gái ông Định cho biết: trạm xá chỉ là một căn
phòng biệt giam có một cái giường bằng đá. Trang thiết bị của trạm xá chỉ gồm ống
nghe, máy đo huyết áp. Bất cứ bệnh tật gì gây đau, phạm nhân cũng chỉ được
chích một mũi thuốc giảm đau hay thuốc gì không nguồn gốc rõ ràng. Vậy thôi,
không có gì thêm.
Đối với bất cứ một bác sĩ nào thì chảy máu dạ dày là một
triệu chứng cần được khám nghiệm khẩn cấp và chạy chữa ngay lập tức, bởi vì điều
này có thể là dấu hiệu của loét hay ung thư dạ dày. Trong trường hợp xấu, chảy
máu dạ dày có thể trầm trọng, gây đột trụy tuần hoàn và nếu không được cầm máu
kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Phương pháp giản dị và kiến hiệu nhất là nội
soi (endoskopy). Nếu ông Định được khám nội soi ngay từ tháng 11.2011 thì chẩn
đoán ung thư của ông sớm hơn được gần hai năm. Lúc đó ung thư của ông có thể
không phải là giai đoạn III mà có thể chỉ là giai đoạn I hay II. Được điều trị
kịp thời, ông sẽ có hy vọng từ 43,7% tới 82% thọ thêm được 5 năm nữa (tùy theo
giai đoạn II hay I theo biểu đồ ở trên). Có lẽ rằng cái tai họa lớn nhất cho
ông và gia đình ông là người ta đã quá coi thường sức khỏe và sinh mạng phạm
nhân nên không thấy các triệu chứng đe dọa sinh mạng của họ. Trại giam đã sai lầm
khi cho rằng những cơn đau bụng dai dẳng của ông chỉ là bịa đặt, có nguồn gốc
tâm lý, bệnh tưởng..., nên đã gửi ông đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa để khám
nghiệm trong hai tuần.
2. Tại sao bệnh viện 30 tháng 4 kết luận là ung thư
giai đoạn III?
Đại tá Hoàn, giám thị trại giam An Phước cho biết : “…
theo nội dung tóm tắt bệnh án của bệnh viện 30/4 số 78 ngày 21.10.2013 và số 96
ngày 26.11.2013... tình trạng bệnh của phạm nhân Định là ung thư dạ dày di căn
hạch (nhưng là giai đoạn 3, chưa phải là giai đoạn cuối)” (5). Giai đoạn
III được định nghĩa là khối u chưa xâm nhập vào các cơ quan bên cạnh, chỉ có ít
hạch bạch huyết bị xâm nhập và không có di-căn xa. Từ mẫu dạ dày bị cắt đi và
khám nghiệm các hạch bạch huyết bên cạnh thì có thể biết là tế bào ung thư đã
thâm nhập các cơ quan bên cạnh (như lá lách hay tuyến tụy) hay chưa, và có bao
nhiêu hạch bị xâm nhập. Song nếu muốn khẳng định là không có di-căn xa thì cần thêm
khám nghiệm bằng CT hay MRI vùng phổi, vùng bụng và chụp scintigramm xương.
Khi bệnh viện 30 tháng Tư xếp ung thư vào giai đoạn III là
đã gián tiếp đẩy ông trở lại trạm giam, măc dù bệnh đã nặng. Khẳng định ung thư
giai đoạn III có khả năng bị nghi ngờ là không chính xác, bởi vì theo lời của
thân nhân người bệnh thì không có những khám nghiệm nói trên được thực hiện ở bệnh
viện này (7). Nỗ lực của gia đình để được xem bệnh án ngõ hầu biết thêm về bệnh
cũng như về việc điều trị không được đáp ứng.
Chỉ ở bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn ông mới được khám nghiệm kỹ
lưỡng. Quyết định cho phép ông được tạm hoãn thi hành án, chăc chắn là dựa theo
kết luận của bệnh viện này về mức trầm trọng của bệnh ung thư của ông Định.
3. Tại sao ông Định không được hóa trị trước khi mổ?
Bà Dinh thuật lại như sau: Ngày 5 tháng 9 thì họ cho
đi khám, mùng 9 tháng 9 thì nhập viện và đến ngày 18 tháng chín thì phẫu thuật”
(6). Thông thường, sau khi dùng nội soi khám phá ra khối u, người bác sĩ
phải có quyết định chữa trị. Nếu khối u chảy máu trong lúc đó thì phải mổ khẩn
cấp để tránh đột quỵ. Nếu khối u không chảy máu thì người bác sĩ có thì giờ để
lên kế hoạch chạy chữa. Trong trường hợp khối u khá to (“bằng quả xoài” như là
của ông Định) (7), theo những hướng dẫn chữa trị mới nhất (11) (13), thì bình
thường phải cho hóa trị trước khi mổ, mục đích làm khối u teo nhỏ lại để việc
phẫu thuật có kết quả tốt hơn. Sau khi mổ sẽ lại tiếp tục hóa trị. Trong trường
hợp ông Định thì rõ ràng là ông không bị mổ khẩn cấp, song việc ông phải chờ đợi
14 ngày trước khi mổ có ý nghĩa gì, một khi hóa trị không được làm trước khi mổ?
Câu trả lời họa may có thể tìm ở nội dung bệnh án, trong đó người bác sĩ ghi
chép các dữ kiện biện minh cho quyết định của mình.
4. Phẩu thuật cắt ¾ dạ dày ông Định đã thành công?
Cuộc phẫu thuật cắt bỏ ¾ dạ dày của ông Định đã được xem là
thành công, khi ông hồi tỉnh lại sau cuộc giải phẫu, song điều này đã đem lại
cho ông những gì? Chỉ ít lâu sau khi mổ, tình trạng chung của ông mỗi ngày một
xấu đi. Bắt đầu từ tháng 11.2013, hai tháng sau khi mổ ông lại tiếp tục nôn ói
ra máu. Bác sĩ điều trị cho là ông bị viêm chỗ nối, song việc ông tiếp tục nôn
ra máu như thế còn có thể có một nguyên do khác. Đó là khả năng khối ung thư
không được hoàn toàn cắt bỏ hết và tiếp tục phát triển, gây ra việc tiếp tục chảy
máu dạ dày. Kết quả nội soi của bệnh viện Columbia Asia ngày 13.3.2014 với việc
lại phát hiện khối ung thư trong phần dạ dày còn lại của ông minh chứng cho giả
thuyết này. Tiến triển này liên quan tới câu hỏi số 3: Nếu ông Định được hóa trị
trước khi mổ để khối ung thư nhỏ lại, thì có thể toàn bộ ung thư đã bị cắt
bỏ, và đã không xẩy ra những lần xuất huyết kế tiếp kinh hoàng cho người bệnh và
thân nhân. Nếu khối ung thư được cắt bỏ hoàn toàn thì cuộc phẫu thuật mới có thể
được xem là đã hoàn toàn thành công.
5. Tại sao ông Định lại bị thêm bệnh suy thận?
Sau cuộc giải phẫu là những cơn đau của ung thư thời kỳ cuối,
cộng với những phản ứng phụ của hóa trị làm ông thêm điêu đứng trong vài tháng
cuối cùng của cuộc đời. Chưa hết! Một thời gian ngắn sau lần hóa trị đợt hai là
bắt đầu thêm vào đó chứng suy thận với những khó khăn trong việc tiểu tiện. Bệnh
suy thận là ngẫu nhiên? Hay suy thận là phản ứng phụ của hóa trị? Các hóa chất
chống phá các tế bào ung thư cũng có thể đồng thời phá hoại các tế bào thận,
gây ra suy yếu chức năng của thận (12).
Dù sao chăng nữa, suy thận là mắt xích cuối cùng khép lại một
chuỗi dây xích nhiều triệu chứng và bệnh lý liên kết với nhau trong bệnh án của
ông.
6. Tại sao ông Định và thân nhân không được phép
xem bệnh án?
Sự hiểu biết về căn bệnh của chính mình là điều quan trọng
để việc chữa trị có kết quả cao, điển hình là bệnh tiểu đường. Bị bệnh này bệnh
nhân không những được khuyến khích học tập về bệnh mà người bác sĩ còn phải tập
huấn thêm cho họ. Mong muốn biết rõ về bệnh tật của mình còn mạnh mẽ hơn nữa ở
những người bệnh ung thư khi mà họ biết rõ là mạng sống của họ đang bị đe dọa
nghiêm trọng. Sự hiểu biết về bệnh tật có tác dụng tốt tới tinh thần và giúp việc
điều trị thuận lợi hơn. Điều này đã được chứng nhận trong các khảo cứu khoa học
quốc tế (4). Ông Định và gia đình cũng không ra ngoài thông lệ đó. Việc từ chối
trao bệnh án cho ông, từ chối không cho ông biết tên các loại thuốc ông dùng mà
không đưa ra lý do giải thích, đã làm sứt mẻ sự tin tưởng vào thầy vào thuốc,
đã dẫn đến việc ông Định có lúc đã từ chối việc điều trị (hóa trị lần thứ ba ở
bệnh viện 30 tháng 4), sau đó rời bỏ bệnh viện Ung Bướu. Sự kiện ông tìm đến
thuốc Nam rồi tìm tới bệnh viện tư Columbia Asia sau ngày ông được tự do, cũng
như sự ngờ vực của gia đình ông về “khả năng ông bị đầu độc “ (10) nói lên sự
nghi ngại của ông và gia đình vào nền y tế và pháp luật của nhà nước.
Tại sao lại phải dấu kín hồ sơ bệnh lý của một người tù?
Câu hỏi này tới nay chỉ được trả lời bằng sự im lặng, giống như bao câu hỏi về
những vấn đề trọng đại khác của đất nước.
Vấn đề khoan hồng, tạm đình chỉ chấp hành án đối với tù
nhân lâm trọng bệnh.
Đại tá Phan Đình Hoàn, giám thị trại giam An Phước, trong một
văn thư đề ngày 16.12.2013 đã trích dẫn tài liệu mang một ký số dài lạ kỳ:
Thông Tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT ngày 15.05.2013
hướng dẫn thi hành quy định về tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đối với phạm
nhân có nội dung như sau (5):
Điều kiện có thể được tạm đình chỉ: ”Phạm
nhân bị bệnh nặng tới mức không thể chấp hành án phạt tù và nếu phải chấp hành án
phạt tù sẽ nguy hiểm tới tính mạng của họ, do đó, cần thiết phải cho họ tạm
đình chỉ chấp hành hình phạt tù để có điều kiện chữa bệnh... Người bị bệnh
nặng quy định tại khoản này là một trong các bệnh hiểm nghèo như: ung thư giai
đoạn cuối, liệt, lao nặng kháng thuốc... không có khả năng tự phục vụ bản
thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoăc mắc
phải một trong các bệnh khác được hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh
hoăc cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh (nhân) hiểm nghèo, nguy
hiểm tới tính mạng.”
Đây có thể là một văn kiện có tính nhân đạo cho phép phạm
nhân có bệnh nặng về nhà chữa bệnh. Trước đây không lâu, nghĩa là trước ngày
15.5.2013, phạm nhân có bệnh vẫn phải ở tù cho tới chết? Song, nếu thẩm định kỹ,
thì đây cũng là một văn bản mà việc áp dụng có thể được co giãn, cho phép người
cầm quyền có nhiều quyền hạn bắt phạm nhân ở lại trong tù hay cho về nhà chữa bệnh.
Thứ nhất, đây là một quy định không có tính bắt buộc. Phạm nhân chỉ có
thể được tạm đình chỉ, không chắc chắn được đình chỉ
chấp hành án. Thứ hai, việc thẩm định, thế nào là bệnh hiểm nghèo cũng tùy thuộc
cách diễn giải: Ung thư giai đoạn cuối được cho là bệnh hiểm nghèo, mặc dù trên
thực tế, nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối như vài loại ung thư vú, cũng sống
được nhiều năm sau đó. Ung thư giai đoạn III với tiên lượng (prognosis) xấu,
nguy cơ tử vong cao như ung thư dạ dày lại được trại giam cho là chưa phải là bệnh
hiểm nghèo. Ác tính khác nhau với tiên lượng khác nhau của các loại ung thư
không được lưu ý. Vào tháng 12.2013 Đại tá Hoàn đã dựa vào văn bản trên, cho là
bệnh ông Định chưa hiểm nghèo để bác bỏ đơn xin tạm đình chỉ chấp hành án của ông.
Chưa đầy bốn tháng sau đó, ông Đinh đã mất. Thực tế cho thấy là nhà nước đã nhầm
lẫn.
Phân tích quá khứ để bảo vệ tương lai
Ông Đinh Đăng Định đã chết. Có đủ lý do để tin tưởng rằng,
nếu ông được ở một trại giam có nhiều tính nhân bản hơn, được hưởng sự quan tâm
của nhà cầm quyền đúng mức hơn, được khám bệnh nhanh chóng và chữa trị nghiêm
túc hơn thì cái chết của ông không đến nỗi sớm như vậy. Trong các trại giam ở
Việt Nam còn có nhiều tù nhân lương tâm hay tù nhân hình sự đang lâm trọng bệnh.
Trong tương lai chúng ta không thể để những trường hợp bi thảm tương tự như trường
hợp ông Định xẩy ra thêm nữa.
Các triệu chứng bệnh tật của các tù nhân cần phải được lưu
tâm đúng mức và phải được khám nghiệm kịp thời và đầy đủ. Không thể tắc trách
khám nghiệm qua loa và cho thuốc giảm đau là xong.
Bệnh tật của tù nhân phải được điều trị chăm sóc nghiêm túc
như bệnh tật của những công dân khác. Đối với tù nhân có bệnh hiểm nghèo thì
nhà nước phải có một chính sách nhân đạo rộng rãi hơn, tạo điều kiện thuận lợi
để gia đình tù nhân có thể săn sóc và chữa trị họ.
Nhà nước phải cung cấp đầy đủ thông tin về bệnh tật và cách
chữa trị cho bệnh nhân. Quyền được hiểu biết cặn kẽ về bệnh tật của mình là quyền
căn bản của mỗi bệnh nhân và gia đình họ. Sự hiểu biết về bệnh tật của mình có
tác dụng tốt cho kết quả điều trị. Việc dấu kín các thông tin này có thể bị cáo
buộc như là một phương thức tra tấn tinh thần tinh vi.
Lời cuối:
Người viết trân trọng cám ơn gia đình ông Đinh Đăng Định và
ông Vũ Quốc Dụng
(VETO! Human Rights Defenders' Network) đã giúp đỡ, cung cấp
tài liệu và hình ảnh cho bài này. Mặc dù đã tận dụng mọi phương tiện có thể có
được và làm việc với tinh thần khách quan, song bài này cũng không khỏi có những
thiếu sót, thậm chí có thể không chính xác. Việc trình bày chỉ có thể toàn hảo
khi nhà nước bạch hóa hồ sơ bệnh án của ông Định, ít nhất là cho gia đình của
ông.
Nếu không, việc dấu kín hồ sơ này chỉ gây thêm nghi ngờ về
chính sách thiếu nhân bản của nhà nước đối với tù nhân mà thôi.
Ngoài bản tiếng Việt này còn một bản bằng tiếng Đức dành
cho các độc giả nước ngoài sẽ được phổ biến tại Đức và các nước khác.
T.K.T. (MRVN)
Tác giả gửi BVN
Tài liệu tham khảo
(1)http://www.amnesty.org/en/news/death-activist-dinh-dang-dinh-should-be-wake-call-viet-nam-2014-04-04
(2)Văn thư của trai giam
An-Phuoc số 926-CV/AP ngày 24.12.2013 (3)http://abcnews.go.com/International/wireStory/ambassadors-release-ailing-vietnamese-dissident-21284207
(5)Văn thư của trại giam „An
Phước“ số 907/CV-AP ngày 16.12.2013
(7)Thông tin riêng
(8)Kết luận khám nội soi
ngày 13.3.2013, Klinik ColumbiaAsia, Saigon
(9)htthttp://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/teacher-conscience-in-critical-condition-tt-10082013171218.
(10)htmlp://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2014/04/140405_dinhdangdinh_funeral.shml
(11)http://www.pathologie-guetersloh.de/informationen/leitlinien-empfehlungen-und/magen-git-leitlinien-empfeh/s3-leitlinie-magenkarzinom.pdf (66.
Empfehlung)
No comments:
Post a Comment