Wednesday, January 24, 2018

Lương Y Như Từ Mẫu

 
Từ lâu, “lương y như từ mẫu” được xem là cốt lõi của đạo đức của nghề y, bởi vì nghề y là nghề rất đặc biệt. “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Nghề y mà thiếu đạo đức thì đúng là chỉ có chết người.


Lương Y Như Từ Mẫu

Kim Trần
Câu nói “Lương Y Như Từ Mẫu” được tôi lập lại khi nghe tin bào đệ của chị Bảo Khanh là anh Nguyễn Phước Chí đã qua đời đột ngột vào sáng thứ ba ngày 16 tháng 01 năm 2018. Năm nay anh vừa tròn sáu mươi tuổi! Tin anh mất làm cho nhiều người bàng hoàng trong số đó có những người bạn thân của anh. Anh Phan Ngọc Thuần, người đầu tiên từ phương trời thật xa báo tin này cho tôi vào tối Thứ Ba. Tôi bàng hoàng xúc động chưa tin là thật vì tôi cũng vừa mới gặp anh tuần trước đây. Tôi không dám kiểm chứng qua người thân ruột thịt như anh chị Huỳnh Ngọc Thạch – Bảo Khanh. Tôi nhờ vợ tôi hỏi thăm anh chị Hương – Diên, người thường “nhậu” với anh thường xuyên. Phần tôi, tôi liên lạc với anh Phạm Văn Thành, nhà thờ Thánh Phêrô để biết hư thật ra sao! Tất cả đều đến một kết quả giống nhau: Anh Nguyễn Phước Chí từ trần vì sung phổi… một căn bệnh chưa phải tới số chết…
Theo lời chị Khanh cho biết, trước đó Nguyễn Phước Chí đã bị cảm thỉnh thoảng có ho nhưng anh không chịu ở nhà mà còn lái xe đi xa đến San Antonio. Dọc đường bể bánh xe phải thay và chịu lạnh gần mấy giờ ngoài trời. Có lẽ vì thể tình trạng bệnh trạng của anh tệ hơn,  nhưng tuổi còn trẻ anh vẫn xem thường và hy vọng uống các loại thuốc bình thường sẽ qua khỏi. Bịnh tình trở nên trầm trọng hơn, sáng thứ hai, ngày 15 tháng 01 năm 2018 – Đúng ngày lễ Mục sư Martin Luther King Jr., anh Nguyễn Phước Chí đã đến phòng mạch của một bác sĩ trong thành phố Garland. Nhưng than ôi! Ông bác sĩ không phải là “Lương Y Như Từ Mẫu” mà Lương Y Như Phù Thủy! Ông đã xem đồng tiền hơn tính mạng con người. Vì thái độ thiếu tế nhị của Lương Y Phù Thủy và bản tính ngang tang của một người coi thường cái chết và anh đã vĩnh viễn ra đi vào sáng sớm hôm sau vì căn bệnh sung phổi…Chính vì sự ra đi oan nghiệt của một người bạn thân bởi một Lương Y không có đạo đức. Chúng ta thử tìm hiểu Lương Y như Từ Mẫu là gì và tại sao Lương Y như là người Mẹ Hiền…
Khi nói về y đức, câu nói được trích dẫn nhiều nhất là “Lương y như từ mẫu”. Từ lâu, “lương y như từ mẫu” được xem là cốt lõi của đạo đức của nghề y, bởi vì nghề y là nghề rất đặc biệt. “Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”. Nghề y mà thiếu đạo đức thì đúng là chỉ có chết người!
“Lương y như từ mẫu” đáng lẽ phải hiểu: “Thầy thuốc giỏi (lương y) giống y như mẹ hiền (từ mẫu)”. Thế mà thời gian qua, nhiều người lại hiểu một cách thiếu sót: “Thầy thuốc (không có chữ giỏi) như mẹ hiền” tức chỉ nhấn mạnh vế “mẹ hiền” mà quên mất vế “thầy thuốc giỏi”.
Có người biện luận cho sự hiểu thiếu sót của mình là do chữ “lương y” được dùng đại trà để chỉ người thầy thuốc bình thường của ngành y học cổ truyền. Đúng là ta thường gọi thầy thuốc y học cổ truyền hay thầy thuốc đông y là lương y và lương y này có khi không hẳn là thầy thuốc giỏi.
Có người cho rằng “lương y như từ mẫu” nên xem là một cách ví von về từ ngữ, nhưng ý nghĩ thì khó phù hợp với y học hiện đại dựa vào nguyên lý của y học thực chứng. Bởi vì khi nói “từ mẫu” là đặt vị trí của người thầy thuốc vào vai trò của người mẹ, gián tiếp xem người thầy thuốc là gia trưởng, là cấp trên. Người mẹ dù hiền như thế nào cũng có thể ra lệnh cho con, thậm chí dùng roi vọt để thể  hiện quyền hạn.
Người thầy thuốc (hay bác sĩ) có thể xem là người mẹ vì là người ra lệnh cho bệnh nhân. Nhưng nay thì không được vì thầy thuốc trong thời đại y học thực chứng chỉ có thể ra khuyến nghị chữa bệnh chứ không được ra lệnh. Y học thực chứng (evidence-based medicine, viết tắt EBM) đòi hỏi người thầy thuốc không được ra lệnh từ những kiến thức về y học nằm sẵn trong đầu ông ta mà ông ta đã xem đó là chân lý và không được cãi. Mà người thầy thuốc phải dựa vào các chứng cứ thực nghiệm là các nghiên cứu lâm sàng được thiết kế đúng chuẩn và đáng tin cậy nhất để ra khuyến nghị một cách bình đẳng với người bệnh. Bình đẳng ở đây là người bệnh có quyền chất vấn bác sĩ về chứng cứ nếu thấy chưa thỏa đáng.
Vậy ta phải hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” là như thế nào?
Bởi vì nghề y là nghề liên quan đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của con người nên người hành nghề y phải là thầy thuốc có chuyên môn giỏi đồng thời phải có tấm lòng thương yêu, tận tụy phục vụ người bệnh. Nói một cách ngắn gọn là người thầy thuốc phải có tâm và có tầm.
Nói theo triết lý nhà Phật, người hành nghề y phải có từ bi và trí tuệ. Nếu từ bi mà không có trí tuệ là từ bi mù và trí tuệ mà không có từ bi thì đó là trí tuệ ác. Giống như con chim đại bàng muốn bay cao phải có hai đôi cánh, người thầy thuốc muốn hành nghề tốt phải luôn có hai điều kiện là phải giỏi và phải thương người.
Câu “lương y như từ mẫu” hay “thầy thuốc giỏi phải giống như mẹ hiền” chính để nhấn mạnh hai điều  kiện phải có của người thầy thuốc. Nếu thầy thuốc giỏi mà không có tấm lòng của người mẹ hiền thì khác gì chim đại bàng còn có một cánh, làm sao bay cao được.. Hay người thầy thuốc có lòng thương người bệnh nhưng tay nghề quá yếu, không nắm vững chuyên môn thì có khi trở thành kẻ hại người một cách vô tình, thậm chí kẻ sát  nhân không chủ ý.
Thầy thuốc giỏi là như thế nào?
Đây là người hành nghề đặc biệt, dùng kiến thức và kỹ năng về y dược để chữa bệnh cho mọi người và thầy thuốc giỏi là người hành nghề y vững về chuyên môn, luôn tìm cách nâng cao trình độ nghề nghiệp, luôn tìm cách cập nhật kiến thức y dược để làm chủ thông tin và trang bị thiết bị hiện đại hầu chữa trị tốt người bệnh.
Nhưng thầy thuốc giỏi không thôi thì chưa đủ. Bởi vì người thầy thuốc không có sự tận tụy và lòng thương người thì dễ đi đến lỗi lầm. Một chút lơ đểnh, thờ ơ, tắc trách đến ghê gớm nhất là vô cảm  có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Dẫn đến những mất mát đau đớn không gì bù đắp cho thân nhân người bệnh, mà những con người đáng thương này đã đặt tất cả hi vọng, niềm tin vào người thầy thuốc. Chính vì thế, người thầy thuốc giỏi phải có tấm lòng của người mẹ hiền là mong ước muôn đời của tất cả mọi người.
Thầy thuốc giỏi giống như mẹ hiền là như thế nào?
Ai cũng biết tấm lòng thương yêu bao la của người mẹ đối với con của mình. “Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào”, nghe câu hát này ai cũng xem đó là điều hết sức tự nhiên. Đặc biệt, lòng mẹ thương con hình như tăng lên bội phần khi đứa con bị bệnh. Sự chăm sóc con bị bệnh ở người mẹ luôn có vẻ tận tình hơn khi con khỏe mạnh. Thậm chí có nhiều bà mẹ có thái độ tha thiết sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho sự hết bệnh sống còn ở con.

Nói “lương y như từ mẫu” thật ra đúng là sự ví von. Thầy thuốc nếu là nam giới thì sao như mẹ hiền cho được? Sự ví von như thế chỉ nhằm thể hiện sự mong muốn người thầy thuốc phải có tấm lòng yêu thương người bệnh hết mực, có tinh thần trách nhiệm trong nghệ nghiệp cao nhất, có sự tận tụy chăm sóc phục vụ người bệnh hết lòng. Đối với những ai là Phật tử còn có sự ví von cao cả hơn là xem người thầy thuốc tận tâm tận lực người bệnh không khác vị Bồ-tát.
Trong Phật giáo, Bồ-tát là tên gọi những đã thành tựu Phật quả thường không nhập Niết bàn mà vẫn ở thế gian để độ chúng sinh chưa giác ngộ. Hiểu rộng hơn, Bồ-tát còn chỉ những người có tấm lòng độ lượng nhân ái, sống giữa cuộc đời và cứu giúp mọi người.
Đối với người bệnh, người thầy thuốc giỏi có tấm lòng như người mẹ hiền luôn được xem là ân phúc của họ.
Hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” là như thế nào?
Hiểu sâu sắc “lương y như từ mẫu” có nghĩa thầy thuốc phải giống như mẹ hiền của thời hiện đại. Người mẹ hiền thời nay không còn là người mẹ quê mùa, chỉ biết thương yêu con với tình yêu mù quáng, chỉ biết rầy la mắng mỏ con với thái độ gia trưởng. Mà là bà mẹ có học thức, biết chăm sóc con với kiến thức khoa học, giỏi tâm lý tiếp xúc, khi cần là người bạn chân tình ngang hàng con cái chứ không phải kẻ cả.
Thời nay, rõ ràng con cái dù mẹ hiền và tốt đến đâu vẫn thích tâm sự với bạn thân chí cốt của mình, sẵn sàng thố lộ tình cảm và đón nhận ý kiến của bạn bè nếu người mẹ không sẳn sàng làm bạn với con mình.
Nếu hiểu sâu sắc vừa nêu trên thì “lương y như từ mẫu” vẫn có thể áp dụng cho y học hiện đại. Thầy thuốc giỏi trong thời đại hiện nay là bác sĩ hành nghề theo y học thực chứng đã nêu ở trên. Và nếu thầy thuốc đó có tấm lòng mẹ hiền sẽ làm tốt việc phối hợp kiến thức kỹ năng chuyên môn được cập nhật những chứng cứ khoa học là thử nghiệm lâm sàng có độ tin cậy cao nhất với sự tôn trọng nỗi đau và kỳ vọng của bệnh nhân. Thầy thuốc giỏi không phán lệnh như gia trưởng mà đối xử bệnh nhân như người bạn chân tình (partnership), để bác sĩ và bệnh nhân cùng đóng vai trò quyết định phương án điều trị dựa vào chứng cứ tốt nhất.
Như vậy, ta thấy câu “lương y như từ mẫu” nếu hiểu một cách sâu sắc vừa có thể xem là cách ví von tuyệt vời về từ ngữ vừa có ý nghĩa phù hợp với y học hiện đại dựa trên y học thực chứng.
Người thầy thuốc “giỏi”, ngoài cái giỏi về chuyên môn kỹ thuật- một thầy thuốc  “mát tay”- hẳn còn phải giỏi về tâm lý tiếp xúc, chẩn đoán không chỉ bệnh tật mà còn hiểu được những “đáp ứng con người” (human response) của bệnh nhân trong bối cảnh văn hóa xã hội mà họ đang sống.  Có môt câu châm ngôn  trong ngành y: “Không có bệnh, chỉ có người bệnh”. Nghĩa là cùng một thứ bệnh mà mỗi người sẽ “bệnh” một cách khác nhau, do cơ địa cũng như do môi trường sống ( môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội ) của họ, cho nên bệnh của họ sẽ “thị hiện” khác nhau, diễn biến khác nhau và phương thức trị liệu do đó cũng sẽ phải khác nhau. Chữa bệnh theo một “phác đồ điều trị” máy móc thì không cần sự hiện diện của người thầy thuốc. “Lương y” không chỉ thấy cái bệnh mà còn thấy cái hoạn, không chỉ thấy cái đau mà còn thấy cái khổ của bệnh nhân.
Nghề y là một nghề đặc biệt. Hai người không hề quen biết nhau, chỉ mới gặp nhau, nói với nhau vài câu mà một người (bệnh nhân) đã sẵn sàng tiết lộ mọi bí mật riêng tư của mình, sẵn sàng trút bỏ y phục cho người kia (thầy thuốc) thăm khám cơ thể mình không chút đắn đo e ngại. Nếu không có cái lòng tin tưởng tuyệt đối là sẽ đựơc giữa bí mật, sẽ đựơc chữa lành những nỗi khổ đau thì ai dám? Chính vì thế người ta luôn chọn “đầu vào y khoa” một cách rất cẩn trọng. Ngoài kiến thức còn phải xem xét cả thái độ, hành vi, động cơ… qua những trắc nghiệm, phỏng vấn trực tiếp để biết người muốn học y kia có cái “nghiệp” gì chăng hay chỉ là một cuộc “đầu tư”?

Rồi trong suốt quá trình học tập dài lâu đó, các nguyên tắc hay giá trị đạo đức y khoa (Y đức) được dạy rất kỹ, xuyên suốt, để hình thành một thái độ, một nếp sống như máu thịt của người thầy thuốc. Đó là sự tôn trọng tuyệt đối tính mạng và nhân phẩm của thân chủ (bệnh nhân)  bởi họ đã “phó thác tính mạng” vào tay một người “xa lạ” mà họ tin tưởng. Những nguyên tắc đó đã được quy định từ thời Hippocrates, 400 năm trước Công Nguyên, đã trở thành những nguyên tắc của Y đức không thể thiếu trong nghề y và sau này, được cụ thể hóa qua Nghĩa vụ luận y khoa (Déontologie médicale) giảng dạy tại các trường Y.
Y đức đặt nền tảng trên sự “Tôn trọng sinh mạng con người” nên trước hết là không được làm bất cứ điều gì gây hại thêm (Premum non nocere!), luôn nghĩ và làm đìều có lợi cho người bệnh . Rồi phải tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi bệnh nhân. Phải tuyệt đối giữ bí mật nghề nghiệp.
Không phân biệt đối xử. Công bằng và trung thực. Tôn trọng tính tự chủ (Autonomy) cà về phía bệnh nhân lẫn phía thầy thúôc. Đây là cơ sở của sự đồng thuận sáng suốt (informed consent) với điều kiện thầy thuốc phải thông tin trung thực, rõ ràng và thích đáng. Trừ trường hợp khẩn cấp, bắt buộc phải sơ cứu, còn ngoài ra phải có sự đồng thuận của  bệnh nhân trong mọi hoạt động liên quan từ xét nghiệm, thăm khám, nhập viện, can thiệp phẫu thuật… đến mọi loại hình chăm sóc cũng như sử dụng bệnh án dạy học v.v… Từ đó, vấn đề quan hệ thầy thuốc- bệnh nhân, vấn đề truyền thông trị liệu được đặt ra.
Người thầy thuốc chỉ đứng trước lương tâm mình. Có thể mọi người không ai hay biết nhưng với lương tâm, họ biết rõ. Và như vậy họ phải chịu trách nhiệm cá nhân.  Họ cần phải có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức mới làm tròn sứ mệnh mà xã hội đã giao phó qua sự đào tạo huấn luyện và kiểm soát xã hội. Năng lực của người thầy thuốc là kết quả của việc học tập, nghiên cứu không ngừng, trau dồi từ các khoá tu nghiệp, đào tạo thường xuyên, luôn cập nhật về khoa học kỹ thuật và về các phương pháp thực hành mới. Năng lực phải phù hợp với trang thiết bị và phương tiện vật chất. Trang thiết bị phương tiện vật chất dù tối tân đến đâu mà năng lực yếu kém cũng sẽ là một tác hại nặng nề cho ngành y, làm mất lòng tin và gây thêm tốn phí.
Ngày xưa, thời người thầy thuốc đầy quyền uy, bênh nhân mỗi mỗi phải tuân phục, mối quan hệ gia trưởng (Paternalism) đó nay đã qua rồi! Với chủ nghĩa tiêu thụ (Consumerism) gần đây, người thầy thuốc được coi như là người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (health care provider) còn bệnh nhân trở thành khách hàng, ngừơi tiêu thụ (consumer). Người bệnh đựơc chiều chuộng, khuyến khích, cả “hù dọa” nữa để… tiêu thụ, sử dụng dịch vụ, lệ thụôc kỹ thuật  càng nhiều càng tốt. Bệnh viện không còn là “nhà thương” mà trở thành một doanh nghiệp. Giám đốc là một doanh nhân, đầu tư kiếm lợi. Bác sĩ là người làm công. Người ta đã nhận ra kiểu quan hệ không  tốt đẹp này và đã có những đòi hỏi cải tổ. Hiện nay, một khuynh hướng thứ ba công bằng hơn, hợp lý hơn, có sự tương tác hai chiều, đối thoai và hợp tác. Y đức do đó ngày càng được quan tâm hơn….
Chúng tôi hy vọng, vị Lương Y đã từ chối anh Nguyễn Phước Chí để đưa anh đến cái chết thì cũng suy nghĩ lại Y đức của mình.
Kim Trần
__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái

  From: VUONG DANG < Date: Sun, Nov 22, 2020 at 8:10 PM Subject: Fw: Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái/Why Slee...

Popular Posts