Thursday, June 21, 2018

Sốt là gì?



Sốt là gì?
Bác sĩ Nguyễn Ý- Đức


Sốt là khi nhiệt độ trong người cao hơn mức trung bình.
Nhiều nhà chuyên môn đề nghị chính xác hơn: sốt là khi nhiệt độ lên cao vì một bệnh nào đó chứ không phải vì các lý do thông thường như sự tiêu hóa thực phẩm, khi có cảm xúc mạnh, khi vận động cơ thể, có thai, có kinh nguyệt…
Cẩn thận hơn, có người thêm là nếu nhiệt độ cơ thể lên quá 37.2°C kèm theo đổ mồ hôi, hơi thở nhanh, mạch máu ngoài da giãn nở, đó là sốt.

Nhiệt độ bằng hoặc cao hơn 38°C (100°F) khi đo ở hậu môn, hoặc cao hơn 37.5°C (100.4°F) khi đo ở miệng là sốt.
Ở người bệnh, nhiệt độ được đo ba lần trong ngày, được ghi lên một biểu đồ để giúp theo dõi bệnh trạng. Một số bệnh có những cơn sốt đặc biệt, cho nên biểu đồ nhiệt độ cũng giúp chẩn đoán bệnh. Chẳng hạn:
– Sốt định kỳ (relapsing fever) với vài ngày nhiệt độ lên cao rồi vài ngày bình thường như trong bệnh sốt rét.
– Sốt lên xuống hai lần trong ngày ở bệnh viêm khớp, thấp khớp.
– Sốt liên tục (continuous fever) trong ngày như viêm sưng phổi.
– Cơn sốt tăng giảm từng lúc (remittent fever) như trong bệnh lao phổi với nhiệt độ buổi sáng cao hơn buổi chiều.
– Sốt từng hồi hoặc gián đoạn (intermittent fever)

Sốt diễn ra theo ba giai đoạn:
a- Cơ thể phản ứng với tác nhân gây sốt bằng cách tăng bạch cầu, nhiệt độ lên cao, da lạnh, cơ thể run rẩy, mạch máu ngoại vi co hẹp, lông tóc dựng đứng, da xanh nhợt, khô.
b- Trong giai đoạn 2, nhiệt độ giữ ở mức cao, cơ thể hết run
c- Sau đó, nhiệt độ giảm, mạch máu ngoại vi giãn nở, đổ mồ hôi, da lạnh và trở lại mầu sắc bình thường.
Sốt có thể ngắn hạn hoặc dài hạn. Ngắn hạn thường là khoảng 2 tuần lễ, trong các trường hợp nhiễm vi khuẩn. Dài hạn lâu hơn hai tuần lễ như trong trường hợp ung thư hoặc sốt không rõ nguyên nhân (FUO).
Theo các khoa học gia, một cơn sốt nhẹ làm tăng interferon, một chất thiên nhiên chống virus và ung thư; tăng khả năng diệt vi khuẩn của bạch huyết cầu và lymphô bào. Nhiệt độ cao cũng gây cản trở cho sự tăng sinh của vi khuẩn.
Quan sát ở súc vật, người ta thấy khi một con thằn lằn bị vi khuẩn xâm nhập, nó sẽ bò ra phơi mình ngoài nắng để tăng nhiệt độ cơ thể.

Nguyên nhân gây sốt
Sốt có thể gây ra do các nguyên nhân từ ngoài hoặc từ trong cơ thể
1- Nguyên nhân từ ngoài cơ thể:
– Nhiễm các loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng.
– Dưới tác dụng của vài dược phẩm như kháng sinh nhóm Penicillin, sulfonamid, thuốc chữa bệnh lao, thuốc an thần loại barbiturates, thuốc chống kinh phong phenytoin, thuốc sổ táo bón, chất interferon, các loại thuốc kích thích (Ectasy, angel dust…)
– Tiêm vài chất đạm lạ đối với cơ thể như các loại globulin trị bệnh uốn ván
– Truyền máu.
– Thời tiết oi ả, nóng bức, tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời.

2- Nguyên nhân từ cơ thể:
– Do sự hủy hoại tế bào sau thương tích, thiếu dinh dưỡng, viêm sưng mô bào, bệnh của các mô liên kết như thấp khớp, lupus ban đỏ SLE, thống phong, xuất huyết dạ dày, thiểu máu các cơ quan (nhồi máu cơ tim, lá lách…)
– Phản ứng miễn dịch của cơ thể khi vật lạ xâm nhập.
– Các trường hợp tế bào mới tăng sinh bất thường như trong khối u ác tính hoặc lành tính. Nhiệt độ có thể kéo dài cả tháng, đôi khi cả năm và là vấn đề nguy hiểm cần để ý.
– Rối loạn chuyển hóa cấp tính như trong cơn cường tuyến giáp, bệnh thống phong.
– Tình trạng khô nước trong cơ thể.
– Có nhiều trường hợp sốt vì thay đổi trực tiếp của trung tâm điều hòa thân nhiệt chứ không do tác nhân gây sốt từ ngoài hoặc trong cơ thể. Chẳng hạn khi bị u bướu, xuất huyết hoặc khối huyết não.
– Xúc động mạnh cũng làm thân nhiệt tạm thời lên cao. Có nhiều trường hợp, khi mới nhập viện, nhiệt độ lên cao trong vài ngày rồi giảm, vì người bệnh lo sợ bị bệnh nặng.
Một số loại sốt mang địa danh quốc gia như sốt Dương Tử Giang với nhiễm Schistosoma japonicum, sốt xuất huyết dịch Korea, sốt đảo Chypre do nhiễm khuẩn Brucella melitensis, ban nhiệt Sao Paulo, sốt định kỳ Mỹ USA recurrent fever…

Ðiều trị sốt
Đa số các bác sĩ đều có chung ý kiến là, để giảm sốt phải điều trị nguyên nhân gây ra sốt. Chẳng hạn như khi sốt do vi khuẩn gây ra thì phải dung trụ sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
Với trẻ em, theo Hội Nhi Khoa Hoa Kỳ, sốt dưới 38.9°C (102°F) không cần điều trị, trừ khi các em cảm thấy khó chịu hoặc đã bị kinh phong trong quá khứ.

Cần theo dõi tình trạng bệnh. Nếu em bé vẫn tỉnh táo, tươi cười, da dẻ hồng hào, ăn uống, chơi đùa, ngủ nghỉ như thường, thì không cần cho uống thuốc giảm nhiệt. Ngược lại khi sốt cao và gây khó chịu cho bé, có thể cho uống thuốc hạ nhiệt độ hoặc chườm lạnh.
a- Thuốc chống sốt
Thuốc giảm sốt đều rất công hiệu nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ và không nên dùng cho mọi loại sốt mà phải căn cứ vào tùy trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em. Sốt có thể có vài ích lợi cho người bệnh. Theo nhiều nhà chuyên môn y học, chữa sốt khi nào bệnh nhân cảm thấy khó chịu và để tránh kinh phong, khô nước, rối loạn tuần hoàn, hô hấp.
Aspirin và acetaminophen là thuốc giảm sốt thường dùng nhất. Tuy nhiên, aspirin không được dùng cho trẻ em dưới 18 tuổi hoặc khi bị nhiễm virus, để tránh Hội chứng Reye. H.C..Reye là rối loạn trầm trọng, có thể chết người, thường ảnh hưởng tới gan và tế bào não. Ngoài ra cũng có thể dùng Ibuprofen.

Theo ý kiến chung của y giới, acetaminophen vẫn là thuốc an toàn và ưa thích hơn cả để trị nóng sốt.
Liều lượng phải căn cứ vào sức nặng cơ thể chứ không theo tuổi. Nên hỏi bác sĩ hoặc đọc kỹ hướng dẫn trên chai thuốc.

b- Chườm nước ấm.
Ðể em bé ngồi trong chậu nước ấm cao độ 4 phân. Thấm nước ấm với một cái khăn, lau nhẹ lên thân mình và chân tay. Nước sẽ làm nhiệt độ trong cơ thể giảm xuống qua sự bốc hơi. Tiếp tục làm như vậy cho tới khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống (khoảng nửa giờ).
Đừng chườm nước lạnh hoặc túi nước đá vì có thể làm bệnh nhân run và tăng nhiệt độ. Không thoa dầu nóng hoặc cồn để tránh ngấm qua da, gây ngộ độc.

c- Giữ nhiệt độ trong nhà mát dịu.
d- Không nên mặc quá nhiều quần áo.
đ- Cho uống nhiều nước (nước lã hoặc nước trái cây).
e- Ðể em bé chơi tự nhiên chứ đừng ép nằm trên giường.
g- Ăn uống tùy theo sự chịu đựng của người bệnh, nhưng không nhiều chất béo, khó tiêu hóa.

Thông báo cho bác sĩ nếu em bé dưới 3 tháng sốt tới 38°C (100.4°F) hoặc em bé lớn hơn với nhiệt độ trên 40°C (104°F), đồng thời không chịu ăn uống, bị tiêu chẩy, ói mửa, cơ thể có dấu hiệu khô nước, kêu đau nhức cuống họng, tai…
Với người lớn, đối phó với sốt cũng tương tự như ở trẻ em. Ðiều quan hệ là quan sát phản ứng của cơ thể đối với sốt.
Nếu trong người thấy rất khó chịu, mệt mỏi thì uống vài viên thuốc chống sốt rồi nghỉ ngơi, uống nhiều nước. Giới hạn nước uống có caffeine vì chất này tăng nhiệt độ cơ thể và chặn tác dụng hạ nhiệt của thuốc chống sốt..
Ở cả người lớn lẫn trẻ em, nên tới bác sĩ để khám bệnh, chữa trị khi:

a- Sốt với nhức đầu, cứng cổ, mệt lả, mất phương hướng, lên cơn co giựt
b- Sốt trên 40ºC (104ºF) không thuyên giảm với chăm sóc tại nhà
c- Sốt kéo dài quá ba ngày
d- Sốt vừa phải nhưng kéo dài cả hai ba tuần lễ.

Bác sĩ Nguyễn Ý- Đức


__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay"

Friday, June 1, 2018

TÌM HIỂU VỀ THUỐC GIẢM ĐAU



TÌM HIỂU VỀ THUỐC GIẢM ĐAU


- TYLENOL (ACETAMYNOPHEN) = GIẢM SỐT,CHỐNG NHỨC ĐẦU
- IBUPROFEN (MOTRIN) = ĐAU BẮP THỊT,VIÊM SƯNG (Té ngã)
- NAPROXEN (ALEVE) = ĐAU NHỨC KHỚP XƯƠNG (Phong Thấp, Đau Lưng, Cột Sống)

                                                                                                    Bs. Hồ Ngọc Minh
                                                                                                          21:39 18 tháng 7, 2017


Cảm giác đau đớn là điều không ai muốn cả. Thật ra, cảm giác đau có tác dụng bảo vệ cho chính chúng ta. Cũng vì sợ đau nên ta không dám liều lĩnh, và cũng vì đau nên những thói quen về hành động cũng như suy nghĩ phải thay đổi theo phản xạ, theo thời gian.
                                                
                                                    
Đau nhức
Cho đến nay, người ta cũng không hiểu tại sao não bộ lại biết đau, với nhiều giả thuyết dẫn giải về những “đường lối” (pathways) đưa đến cảm nhận đau. Một thí dụ đơn giản, khi ta bị thương tích chẳng hạn, những dây thần kinh cảm giác bị khuấy động và dẫn về não bộ, qua nhiều “cửa ngõ” (gates) khác nhau. Những tín hiệu đau nầy cũng được khuếch đại bởi các “chất làm cho biết đau” gọi là prostaglandins được tiết ra khi cơ thể bị thương tích, bị viêm sưng (inflamation). Cũng các chất prostaglandins nầy lại dính dáng chuyện cơ thể tăng thân nhiệt làm cho ta bị sốt.

Chất prostaglandins được đặt tên theo tuyến tiền liệt, tức là nhiếp hộ tuyến, prostate gland. Năm 1935, nhà khoa học người Thụy Điển, Ulf von Euler, khám phá ra chất nầy trong tinh dịch của người đàn ông. Sau đó người ta biết thêm, proataglandins gồm có nhiều chủng loại và được sản xuất ra ở nhiều nơi khác nhau trong cơ thể, cũng như có nhiều phận sự hay tác dụng tùy theo trường hợp.
Chất prostagladins được sản xuất ra từ chất béo, mỡ đặc, do chi phối của hai chất xúc tác, enzymes gọi là cyclooxygenases (COX-1 và COX-2). Prostaglandins làm cho mạch máu giãn nở hay co thắt, làm cho máu đông đặc hay ngược lại, làm điều hoà mức độ vị viêm sưng khi bị thương tích, làm cho tử cung co thắt khi sanh nở, cũng như ảnh hưởng đến cơ chế điều hoà thân nhiệt, gây sốt, bảo vệ cho bao tử không bị thương tích và nhiều tác dụng khác…
Năm 1971, người ta khám phá ra rằng aspirin và các loại thuốc tương tự trong nhóm gọi là NSAIDs (Nonsteroidal anti-inflammatory drugs) có tác dụng giảm sự sản xuất ra chất prostagladins bằng cách khống chế các chất xúc tác cyclooxygenases (COX-1 và COX-2). Vì thế các loại thuốc nầy đều có những hiệu ứng giảm đau, chống sốt…
Ngoài aspirin, trong nhóm NSAIDs nầy gồm có các loại thuốc tiêu biểu như ibuprofen (Motrin), naproxen (Aleve), và diclofenac (Voltaren).
Thuốc Tylenol (acetaminophen) tuy có những công hiệu tương tự nhưng lại thuộc vào một diện khác, hoàn toàn độc lập. Cho đến nay người ta cũng không hiểu làm thế nào thuốc Tylenol (acetaminophen) lại giảm đau, chống sốt. Khác với các thuốc trong nhóm NSAIDs kể trên, thuốc Tylenol (acetaminophen) chỉ có tác dụng giảm bớt hiệu năng của chất xúc tác COX ở trong hệ thần kinh trung ương, não bộ mà thôi. Vì thế, khác với ibuprofen (Motrin), naproxen (Aleve), và diclofenac (Voltaren), Tylenol có tác dụng giảm sốt và chống nhức đầu nhiều hơn là giảm đau bắp thịt, đau xương, hay chống sưng do thương tích.
                                                     
                           
Nhức đầu
Người ta cũng cho rằng thuốc Tylenol có những tác dụng trên hệ thống cảm nhận đau ở não bộ, gọi là endocannabinoid system (ECS). Hệ thống ECS, nầy cũng chịu ảnh hưởng bởi các chất thuốc phiện, cần sa. Cũng vì lý do đó mà Tylenol cũng được dùng chung với các loại thuốc giảm đau có nguồn gốc thuốc phiện như Codeine, tạo thành thuốc Tyenol #3 chẳng hạn.
Trước khi bàn về thuốc giảm đau có nguồn gốc thuốc phiện, opioids, ta hãy phân biệt sự khác biệt về tác dụng của các loại thuốc giảm đau đã nêu trên.
Như đã đề cập, thuốc Tylenol có tác dụng giảm sốt, chống nhức đầu hơn là giảm đau ngoài não bộ nói chung, vì thế thuốc nầy dùng thích hợp nhất khi bị cảm cúm. So với các loại NSAIDs, thuốc có ưu điểm là không gây ra tác dụng phụ như loét bao tử, tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch, hay làm cho máu loãng không đông. Tuy nhiên, ngộ độc thuốc Tylenol có thể làm hư gan cấp tính. Thuốc ibuprofen (Motrin) có tác dụng giảm đau bắp thịt nhiều hơn là giảm nhức đầu hay giảm sốt. Thuốc ibuprofen (Motrin) dùng thích hợp cho các trường hợp bị viêm sưng như té ngã, đau khi có kinh nguyệt chảng hạn. Trong khi đó, thuốc naproxen (Aleve), và diclofenac (Voltaren) có lợi thế chống đau nhức khớp xương nhiều hơn là giảm sốt, giảm đau bắp thịt, thí dụ như đau phong thấp, đau lưng, cột sống.Tuy nhiên trong mọi trường hợp đau nhẹ, sốt nhẹ, thời gian ngắn hạn, loại thuốc nào trên đây cũng uống được. Nếu bị đau nhức kinh niên, để giảm tác dụng phụ, phải uống đúng loại thuốc cho đúng loại đau nhức.
Thuốc có nguồn gốc hay hiệu ứng thuốc phiện, opioids, là các chất kích hoạt lên các hệ thống thần kinh trung ương làm giảm cảm nhận đau hay tăng cảm giác biết sung sướng gọi là opioid receptors. Các loại thuốc như thuốc phiện, bạch phiến (heroin), morphine và một số thuốc tổng hợp như hydrocodone, oxycodone (Oxycontin) and fentanyl đều tác dụng trên các opipoids receptors này.
                                                   
                                                 
Phê thuốc
Thuốc opioids trước đây chỉ được dùng cho những trường hợp đau đớn trầm trọng. Hiện nay nguy cơ của nạn ghiền thuốc tăng vọt lên tình trạng báo động khẩn cấp. Một phần do các bác sĩ kê toa thiếu trách nhiệm. Năm 2012, có khoảng 260 triệu toa thuốc opioids được viết ra, đổ đồng một lọ thuốc 30 viên cho mỗi đầu người trên toàn dân số nước Mỹ! Phần khác do người tiêu thụ lạm dụng thuốc. Trong năm 2013, có khoảng 40 triệu người dùng thuốc opiods một cách bừa bãi, trẻ nhất chỉ 12 tuổi! Trong số những người dùng thuốc, 25% bị nghiện, chưa kể những trường hợp dùng thuốc “không chính thức” như là ma tuý. Cũng trong năm 2015, có khoảng 60,000 người tử vong vì ngộ độc thuốc opioids, nhiều hơn số lính Mỹ chết trận trong toàn bộ chiến tranh Việt Nam !
Không riêng gì thuốc có nguồn gốc hay hiệu ứng thuốc phiện, các loại thuốc như Tylenol, ibuprofen (Motrin), naproxen (Aleve), và diclofenac (Voltaren) cũng gây ra tình trạng nghiện ngập và ngộ độc. Riêng thuốc ibuprofen (Motrin), gần đây được chứng minh có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch.
Khả năng chịu đau có thể thay đổi tùy người và tùy theo chủng tộc cũng như tùy theo nền văn hoá. Có lẽ sự khác biệt là do sự truyền dẫn tín hiệu đau đến hệ thần kinh trung ương đi theo nhiều đường (pathways), nhiều cửa (gates) khác nhau tùy theo mỗi cá nhân, mỗi trường hợp.
Tóm lại, không ai muốn đau cả. Tuy nhiên nên kiên nhẫn và tránh lạm dụng thuốc giảm đau nói chung không riêng gì thuốc phiện. Kiên nhẫn ở đây có nghĩa là khi dùng thuốc phải cho thời gian để thuốc có hiệu ứng. Tránh lạm dụng là chỉ nên dùng thuốc khi cần, dùng ít thuốc, và dùng đúng loại thuốc tùy theo loại đau nhức. Cá nhân tôi hiện nay, khi bị đau, lại quay về dùng thuốc aspirin, là loại thuốc xưa nhất, ít nguy hiểm và lại có những tác dụng phụ tốt như giảm nguy cơ bị ung thư, bệnh tim mạch.

BS Hồ Ngọc Minh








__._,_.___

Posted by: "Patrick Willay" 

Featured Post

Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái

  From: VUONG DANG < Date: Sun, Nov 22, 2020 at 8:10 PM Subject: Fw: Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái/Why Slee...

Popular Posts