Wednesday, June 19, 2013

NÓNG HÈ


 

 

NÓNG HÈ
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức



 

Chà, đầu hè đã nóng dữ. Hai tuần trước, nóng chịu không nổi. Tuần này đỡ đỡ. Hè năm nay, coi bộ cái nóng đến sớm.

Ở Mỹ, năm nào cũng có ít nhất 240 người mất mạng vì nóng hè. (Chúng ta còn nhớ, nóng hè dữ dội năm 2003 đã giết hại 15.000 người tại Pháp.)

Các vị cao niên, người yếu vì bệnh lâu ngày, người nghèo, lẻ loi cô độc, thiếu máy lạnh trong nhà, và tất nhiên, những vị vô gia cư, dễ bị nguy hiểm vì nóng. Người thích vận động ngoài trời cũng vậy. Quần áo nhiều lớp, nặng nề, màu đậm, khiến mồ hôi khó bốc hơi, càng tăng thêm nguy cơ. Người dùng thuốc có ảnh hưởng trên sự điều hòa thân nhiệt, cũng nên cẩn thận trong những ngày nóng này.
Khi thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể) ta lên cao hơn 104 độ F (40 độ C) lâu quá, các tế bào trong cơ thể sẽ tổn thương, đưa đến sự suy sụp của nhiều cơ quan.

Các tế bào... cháy đầu tiên là các tế bào bắp thịt. Khi bắp thịt tổn thương, chúng sưng lên và gây đau. Rủi chúng tổn thương nặng quá, bể vỡ ra, nhiều chất hóa học trong các tế bào bắp thịt thoát ra ngoài. Các chất này độc cho một số cơ quan, nhất là thận. Thận bị chúng bám vào nhiều sẽ hỏng. Tim cấu tạo bởi toàn những bắp thịt; những bắp thịt tim rướm máu (myocardial hemorrhage) vì khí nóng, tim sẽ suy, không đủ sức bơm máu đến nuôi các cơ quan. Các cơ quan khác như phổi, gan, ruột đều bị sức nóng trên 104 độ F nướng đốt, hư hoại theo những cách khác nhau. Sau cùng, óc cũng không thoát: óc sưng lên, chảy máu, có những vùng chết (infarction); hậu quả, người bệnh đâm nhức đầu, mất sáng suốt, bứt rứt, làm kinh rồi đi vào hôn mê.

Nhiều cơ quan hư hoại đến thế, tất tính mạng người bệnh lâm nguy, tử vong có thể đến 10%. Chữa trị cấp tốc và hữu hiệu, người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn. Nếu sự chữa trị chậm trễ hoặc không đúng cách, người bệnh tuy được cứu sống, nhưng có thể thay đổi tâm tính (subtle personality changes), đi đứng không vững (ataxia), nói năng hết lưu loát như trước (dysarthria) do óc còn chút tổn thương.

Chúng ta đã biết qua cơ chế làm thế nào khí nóng có thể giết người. Bây giờ, ta hãy xem những vấn đề gây do nóng, cùng cách đối phó trong từng trường hợp.
Nguy hiểm nhất là heat exhaustion (kiệt sức do nóng) và heatstroke (tai biến do sức nóng), cần được nhận biết và chữa trị tức khắc. Còn phù chân vì nóng (heat edema), ngất xỉu (heat syncope), vọp bẻ bắp thịt do nóng (heat cramps) không đến nỗi nguy hiểm, thường thuyên giảm nhanh chóng khi ta nghỉ ngơi và uống thêm các thức uống, dùng thêm muối.

Kiệt sức do nóng

Kiệt sức do nóng (heat exhaustion) xảy ra nhiều hơn tai biến do nóng (heatstroke), triệu chứng nhẹ hơn. Song nếu không nhận ra và chữa trị, kiệt sức do nóng sẽ trở nặng hơn, thành tai biến do nóng.

Người bệnh yếu mệt, uể oải, nhức đầu, ăn không ngon, buồn nôn, ói mửa, tim đập nhanh, áp suất máu xuống thấp (hypotension). Tuy vậy, người bệnh vẫn sáng suốt, chưa mê sảng hay làm kinh. Đo nhiệt độ cơ thể, thấy nhiệt độ trong khoảng 98.6 độ F (37 độ C) đến 104 độ F (40 độ C).

Những trường hợp kiệt sức do nóng nhẹ thuyên giảm nhanh chóng trong vòng 20-30 phút, khi người bệnh nghỉ ngơi chỗ mát, uống thêm các thức uống. Những trường hợp nặng cần được chữa trị tại bệnh viện với nước truyền tĩnh mạch (để bù lại lượng nước trong cơ thể đã mất qua mồ hôi) và các phương pháp làm mát đặc biệt.

Tai biến do nóng

Tai biến do nóng (heatstroke) là một hình thái nặng hơn của kiệt sức do nóng.

Tai biến do nóng tấn công nhiều người:

- Tai biến do nóng loại cổ điển (classic heatstroke) tấn công người lớn tuổi, người mang bệnh kinh niên khiến cơ thể yếu sẵn (bệnh tim, bệnh phổi, ...). Người bạc nhược vì rượu, vì xì-ke ma túy cũng dễ bị tai biến do nóng loại cổ điển. Triệu chứng của các vị này thường tiến triển chậm qua vài ngày, và thân nhiệt có thể không lên cao nhiều.

- Tai biến do nóng loại vì vận động (exertional heat stroke) tấn công những lực sĩ trẻ, tân binh trong các trại huấn luyện, vận động quá mức dưới trời nắng, người chưa quen làm việc tại những nơi nóng, ẩm.

Thợ mỏ ở các hầm sâu dưới đất, những người đi hành hương Mecca từng bị tai biến do nóng. Thỉnh thoảng, ngay cả người đã quen làm việc tại những nơi nóng, ẩm cũng không thoát.

Triệu chứng tai biến do nóng loại vì vận động thường xảy ra nhanh chóng trong vòng vài giờ, và thân nhiệt người bệnh lên cao.

Nhiệt độ bình thường của cơ thể là 98.6 độ F. Khi có khí nóng bao vây, tấn công, xâm nhập, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng dần theo nhiệt độ bên ngoài. Cơ thể ta tự bảo vệ bằng cách toát mồ hôi hầu thải bớt khí nóng trong người ra ngoài, cố gắng duy trì thân nhiệt ở mức 98.6 độ F. Da các vị lớn tuổi không có khả năng xuất mồ hôi khỏe như người trẻ, nên không thải bớt được nhiệt. Còn những người trẻ bị tai biến do nóng khi đang làm việc hay vận động ngoài trời nóng do cơ thể họ tuy toát mồ hôi bình thường, nhưng vẫn không đủ để thải khí nóng trong người (một phần do nắng, một phần do chính sự vận động) ra ngoài, nên thân nhiệt họ tiếp tục cao hơn 104 độ F.

Một số thuốc dùng khiến cơ thể ta dễ bị heatstroke, vì làm cản trở cơ chế toát mồ hôi: các thuốc anticholinergics (như thuốc trị chảy mũi, thuốc chống ói, ...), vài loại thuốc chữa cao áp huyết (như diuretics, beta-blockers), thuốc chữa bệnh tâm thần (psychotic drugs). (Các vị cao niên hay phải dùng nhiều thuốc, mỗi lần đến khám, xin nhớ mang thuốc theo để bác sĩ xem và dễ định bệnh.)

Người bị heatstroke thình lình thấy các bắp thịt mình co thắt, sưng lên và đau. Sau đó người bệnh bứt rứt, đi đứng loạng choạng, lẫn lộn, làm kinh, hôn mê. Triệu chứng thường rất đột ngột trong những trường hợp heatstroke do vận động ngoài trời nóng. Có người yếu mệt, uể oải, nhức đầu, ăn không ngon, buồn nôn, ói mửa, tim đập nhanh, khó thở ít phút, ít giờ trước khi sưng đau, co thắt các bắp thịt, mê sảng và giật kinh phong. Khi đo nhiệt độ, thấy thân nhiệt họ cao hơn 104 độ F (40 độ C). Da họ khô và nóng lắm.

Heatstroke càng nặng và để lâu, càng nguy. Các vị có tuổi chịu nóng kém so với người trẻ, nên rất dễ bị sức nóng trên 104 độ F làm chết. Bằng chứng, trong số người mất mạng vì nóng hè hàng năm, phần lớn là những vị cao niên, nhà thiếu máy lạnh, và chắc cũng chẳng có con cái đến viếng thăm.

Người bị tai biến do nóng cần được chữa trị khẩn cấp tại bệnh viện với nước truyền tĩnh mạch và các phương pháp làm mát đặc biệt.

Sưng chân và xỉu

Những vị đi du lịch vào mùa Hè, khi cơ thể chưa kịp quen với khí nóng, hay bị sưng phù ở chân và cổ chân. Hiện tượng này được gọi heat edema, do các mạch máu chân dãn nở vì khí nóng, và cũng do ngồi, đứng lâu trong chuyến du hành, khiến máu dồn xuống chân nhiều hơn bình thường. Ta năng đi lại, gác chân lên cao, sưng chân thường sẽ thuyên giảm.

Trường hợp rủi máu dồn xuống chân bạn nhiều quá, lượng máu về tim sẽ ít đi, tim bạn không có đủ máu bơm ra đến nuôi các cơ quan. Nếu óc bạn thiếu máu đến nuôi nặng quá, bạn sẽ xỉu. Cũng may, bạn tỉnh lại ngay khi vừa ngã xuống đất, vì trong tư thế nằm, lập tức máu dồn về tim nhiều hơn, và óc bạn lại có đủ máu do tim bơm đến. Tuy vậy, ta chẳng nên để xỉu vì nóng (heat syncope) xảy ra. Bạn nhớ ngồi hay nằm ngay xuống bất cứ khi nào thấy trong người không khỏe, yếu mệt, bủn rủn tay chân, chóng mặt.

Đau nhức bắp thịt do nóng

Trong mồ hôi có nhiều muối khoáng (minerals), nên khi toát mồ hôi dữ dội, ta mất luôn muối khoáng, trong có cả sodium chloride, một chất cơ thể ta rất cần (sodium chloride có trong muối ăn). Các lực sĩ, công nhân, hoặc người làm việc ngoài trời nắng, dù uống nước, uống các thức giải khát thực nhiều, nhưng nếu không ăn mặn đủ, hay bị vọp bẻ, đau nhức bắp thịt (heat cramps). Do họ toát mồ hôi liên tục, mất nhiều sodium chloride, nên trong máu, lượng sodium chloride hạ thấp. Bắp thịt ở tay và chân, thường được dùng nhiều hơn các nhóm bắp thịt khác, hay đau nhức nặng hơn.

Chứng vọp bẻ, đau nhức bắp thịt này chữa không khó. Chỉ cần nghỉ ngơi, chịu khó xoa nắn chúng, và ăn mặn là đâu lại vào đấy, triệu chứng sẽ thuyên giảm mau chóng.

Phòng ngừa

Chúng ta cần ý thức khí nóng có thể giết người. Năm nào, có bà mẹ để con nhỏ trong xe, vào thăm bạn trai đâu khá lâu, khi trở ra, em bé đã chết. Trẻ con chỉ cần trong xe kín chừng nửa tiếng, có thể bị tai biến do nóng nguy đến tính mạng. (Xin nhớ, xe cũng nên đầy đủ xăng, kẻo lỡ kẹt xe trên xa lộ giữa ngày nắng nóng, nhìn mức xăng đang cạn dần, tiết kiệm tắt máy lạnh trong xe thì khổ lắm, nguy hiểm nữa.)

Trời nóng, ta tắm mát, ngày mấy lần cũng được. Những ngày nóng quá, trong nhà bật quạt cũng không đủ, nên mở máy lạnh, máy điều hòa không khí (ventilators). Ta mặc quần áo mỏng nhẹ, rộng rãi, màu nhạt, may bằng những loại vải dễ thoát nhiệt (nhưng nhớ dài tay, dài chân để chống nắng bảo vệ da khi ra ngoài). Mũ rộng vành hoặc dù che cũng giúp nhiều, cản bớt ánh nắng đổ lửa.

Các vị cao niên, những người có bệnh tâm thần thường không thấy khát, dù cơ thể thiếu nước, ta khuyến khích họ uống đủ nước mỗi ngày, tránh chỗ có khí nóng.
Người thích vận động nên làm quen với khí nóng ít nhất 3-4 ngày trước khi vận động mạnh, nên uống nước thường, đừng chờ khát mới đi tìm nước. Dù mê thể dục thể thao lắm lắm, thường xuyên ta rủ nhau ra ngồi nghỉ và thưởng thức các thức uống nơi có bóng mát. Vảy, dội nước làm ướt quần áo mặc ngoài trong lúc vận động rất tốt. Cẩn thận, ta chỉ ra ngoài thể dục thể thao trước 10 giờ sáng, hoặc sau 5 giờ chiều, lúc trời đã mát. Bắt buộc làm việc ngoài trời nắng, ta ăn mặn thêm.

Đang trong Hè, chúng ta cẩn thận. Nóng khó chịu không đâu, nó còn giết người. Nghĩ thương những người vô gia cư. Cũng may, người Việt chúng ta, chắc chẳng mấy ai không nhà.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

__._,_.___

No comments:

Post a Comment

Featured Post

Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái

  From: VUONG DANG < Date: Sun, Nov 22, 2020 at 8:10 PM Subject: Fw: Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái/Why Slee...

Popular Posts