Tuesday, February 26, 2013

ObamaCare giúp ngăn chận tệ nạn đòi tiền thô bạo tại các bệnh viện Hoa Kỳ


 

 

ObamaCare giúp ngăn chận tệ nạn đòi tiền thô bạo tại các bệnh viện Hoa Kỳ

Mộc Lan - tổng hợp


Hãy thử tưởng tượng bạn là một bệnh nhân đang chờ vào phòng cấp cứu hay còn chưa hồi sức sau một cuộc giải phẫu, bỗng có người đến bên cạnh, nhưng thay vì nói lời an ủi hoặc khích lệ thì người đó lại mở lời… đòi tiền – tiền viện phí.

Hoạt cảnh khó tin nhưng có thật này diễn ra ngày một nhiều hơn tại các bệnh viện Hoa Kỳ. Lý do khá đơn giản, số bệnh nhân không trả nổi tiền điều trị ngày một tăng cao khiến các bệnh viện bị lỗ lã; các bệnh viện đối phó lại bằng cách thuê các công ty đòi nợ làm đòi tiền bệnh nhân; các công ty đòi nợ phải cố gắng làm sao đòi được càng nhiều tiền càng tốt. Một số công ty còn áp dụng nhiều thủ đoạn thô bạo để rồi biến dạng thành các “hung thần đòi nợ”.

Hung thần đòi nợ

Một trường hợp điển hình của “hung thần đòi nợ” là Accretive Health – công ty phụ trách làm hóa đơn (billing) và đòi nợ (debt-collection) cho hai hệ thống bệnh viện Fairview Health Services và North Memorial Health Care tại tiểu bang Minnesota.

Nhân viên Accretive được cho phép mặc quần áo trông giống nhân viên bệnh viện. Họ được vào bên trong phòng bệnh nhân, hơn thế, họ còn được đến tận giường người bệnh để mở lời đòi tiền. Khủng khiếp hơn, họ còn được quyền đọc luôn hồ sơ bệnh lý, kể cả những chi tiết rất riêng tư của người bệnh như tôn giáo, tình trạng hôn nhân, v.v. dù biết rằng làm như vậy là vi phạm quyền riêng tư được luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ.

Một trang nhật ký của một bác sĩ giả phẫu trong những ngày Tết Mậu Thân

Bà Nancy Mihalek, một bệnh nhân, cho biết một nhân viên Accretive, qua điện thoại, đã yêu cầu bà hủy bỏ cuộc giải phẫu vai vì bà chưa trả số tiền 150 đôla từ vụ mổ vai lần trước. Một bệnh nhân khác đã bị dụ ký vào giấy trả nợ khi vừa mới ra khỏi phòng mổ và còn đang ngầy ngật vì thuốc mê; người bệnh này cứ ngỡ kẻ yêu cầu mình ký giấy là một y tá chứ không phải nhân viên công ty đòi nợ.

Tháng Bảy 2010, Accretive Health bị thưa kiện với hàng loạt tố cáo của bệnh nhân. Qua điều tra, người ta tìm thấy trong những email nội bộ, một toán trưởng đã ra lệnh cho những người trong nhóm phải “xung kích vào phòng hộ sinh” vì đấy chính là “nơi có một món to cần chộp lại”. Cách làm việc của Accretive làm người ta liên tưởng tới những con diều hâu săn mồi: rất khôn lanh và không khoan nhượng.

Các “diều hâu” xông xáo khắp nơi. Có “con” đứng ngoài hành lang với nhiệm vụ ngăn không cho bệnh nhân vào phòng cấp cứu nếu người này chưa trả món nợ trước đó. Còn như “con mồi” chạy vào được bên trong, thì đã có “diều hâu” khác chực sẵn ở đấy để đòi móc tiền ra trả ngay. Nếu người bệnh không có sẵn tiền mặt lẫn tiền nhựa (thẻ tín dụng) thì phải cho họ biết sẽ có người sẵn sàng chờ đợi cho tới khi nào lấy được tiền mới thôi. Mọi “diều hâu” đều phải học thuộc câu nói này: “If you have your checkbook in your car, I will be happy to wait for you.”

Những cách đòi tiền như thể trấn lột bệnh nhân, tiếc thay, không chỉ diễn ra ở Minnesota mà đã xảy ra cùng khắp nước Mỹ. Một bạn đọc với nick “The Gallic Cossack” kể lại trường hợp rất sốc của gia đình ông. Tháng Mười 2010, vợ ông bị ngã trặc tay và phải mổ, cuộc giải phẫu được định vào 7 giờ sáng, và bà có bảo hiểm sức khỏe đầy đủ. Thế nhưng, vào 8 giờ tối hôm trước, một cú điện thoại gọi tới nhà, báo cho biết bà phải trả trước 3500 đôla nếu không muốn vụ mổ bị hoãn lại. Gia đình ông không còn chọn lựa nào khác và đã phải trả số tiền ấy. Sau đó, bà báo cho công ty bảo hiểm sức khỏe về vụ việc thì được cho biết hành vi đòi tiền viện phí trước như thế là “xấu xí nhưng vẫn hợp pháp”. Câu chuyện còn cho thấy “diều hâu” tỏ ra rất rành tâm lý “con mồi” - gọi phone đúng vào giấc chiều tối, tức sau giờ làm việc - vì khi đó bệnh nhân không thể liên lạc với công ty bảo hiểm. Thế là “con mồi” vì sức khỏe, bắt buộc phải “đầu hàng”!

[Accretive Health, cuối cùng, đã phải nộp phạt 2.5 triệu]

ObamaCare giúp bảo vệ bệnh nhân

Như đã nói ở trên, những kiểu đòi nợ bệnh nhân thô bạo là xấu xí nhưng không trái pháp luật, và đó chính là lý do khiến nhiều công ty đòi nợ (collection agency) cứ thản nhiên làm tới. Trong năm 2010, ba mươi triệu người Mỹ đã được các công ty đòi nợ liên lạc về các món nợ y tế. Chỉ cần mắc vào một khoản nợ chưa trả, người bệnh có thể bị mất đến 100 điểm tín dụng (points on a credit score), dẫn đến nhiều khó khăn trong đời sống như khi mượn tiền mua nhà, mua xe, kể cả khi đi xin việc làm. Tuy nhiên, sự ta thán của những nạn nhân bị đòi tiền thô bạo, cuối cùng, đã được lập pháp Hoa Kỳ quan tâm đến.

Đạo luật “Affordable Care Act” (ACA) - tên tắt của “The Patient Protection and Affordable Care Act” (PPACA), còn gọi là “ObamaCare”, được Tổng thống Obama ký thành luật ngày 23/3/ 2010 – đã có những điều khoản ngăn cấm những hành vi đòi nợ quá đáng (extraordinary collection actions). Bệnh viện nào vi phạm những điều khoản này sẽ bị tước mất quyền khấu trừ thuế liên bang (federal tax exemption).

Chiếu theo luật ACA, Sở Thuế Liên Bang Hoa Kỳ (IRS) đã thành lập Section 501(r) trong Internal Revenue Code với những quy định mới về quyền lợi bệnh nhân. Theo những quy định này các bệnh viện thuộc hệ thống bất vụ lợi (non-profit) phải thực hiện những điều như sau:

- Lập ra một bản thông báo về những quy định trợ giúp tài chánh (financial assistance) để xác định bệnh nhân nào có thể được giảm hay được miễn viện phí. Bản thông báo này sẽ được phát cho các bệnh nhân và cộng đồng.

- Không được áp dụng những phương cách đòi nợ quá đáng trước khi tìm hiểu bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn được miễn hay giảm chi phí hay không.

- Hạn chế lệ phí cho bệnh nhân đủ tiêu chuẩn nhận trợ giúp tài chánh, nói cách khác, những bệnh nhân lợi tức thấp sẽ được tính với giá mà bệnh viện đồng ý với Medicare hay tới mức mà công ty bảo hiểm của bệnh nhân đồng ý trả.

Dù rằng IRS không định nghĩa “những phương cách đòi nợ quá đáng” là như thế nào nhưng cho tới nay xã hội Mỹ vẫn không chấp nhận việc đòi tiền trước một người đang chờ vào cấp cứu vì coi đó là một hành vi vô đạo đức.

Những quy định trên tuy đã có hiệu lực từ 2010 nhưng không phải ai ai cũng biết. Một bệnh viện tại Ohio đã thưa ra tòa một bệnh nhân nợ 1800 đôla dù người này đủ tiêu chuẩn được hưởng trợ giúp tài chánh. Bệnh viện cũng từ chối không chịu đưa ra bản quy định trợ giúp tài chánh khi bị báo chí hạch hỏi. Chỉ tới khi các phóng viên trưng ra bằng chứng đấy là luật liên bang đã được phổ biến rộng rãi thì bệnh viện mới chịu thua. Vì thế, mọi công dân Hoa Kỳ nên tìm hiểu về ObamaCare để có thể bảo vệ chính mình.

Bệnh nhân có thể làm gì để tự bảo vệ?

Nếu bạn được một bệnh viện bất vụ lợi (non-profit) chữa trị, bạn cần làm một số thủ tục để bảo đảm quyền lợi của mình.

Trước tiên, liên lạc với văn phòng thu tiền (billing department). Yêu cầu họ cung cấp những thông tin về quyền được giúp đỡ tài chánh. Bạn cũng nên hỏi xem bệnh viện có chuyên viên dành riêng để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo hay tàn tật để giúp họ giải đáp thắc mắc.

Hãy hỏi bệnh viện về một bản “quy định giúp đỡ tài chánh” (written financial assistance policy) dựa theo luật ACA. Nếu văn phòng tài chánh không chịu đưa cho bạn những thông tin này, bạn cần viết một lá thơ yêu cầu và gởi đến phòng quản lý của bệnh viện ấy. Cũng nên kèm theo trong thơ bản in “Section 501(r)” của IRS để chứng tỏ yêu cầu của bạn là có cơ sở luật pháp hẳn hoi.

[Muốn có bản điện tử pdf của “Section 501(r)-IRS” hãy nhắp chuột vào
đây]

Nếu có người đòi tiền bạn ngay tại bệnh viện, hãy lấy ngay tên người nhân viên này, tên công ty đòi nợ và địa chỉ công ty. Sau đó viết thơ trình bày vụ việc kèm theo các thông tin tới vị dân biểu hay nghị sĩ tại địa phương bạn cư ngụ (congressional representatives); đồng thời gởi một bản sao tới ban quản lý bệnh viện.

Tất cả các thơ gởi đi bạn nhớ dùng loại thơ bảo đảm có ký nhận (certified mail with signature) để chắc chắn thơ sẽ đến đúng nơi.

“Affordable Care Act” cho đến nay vẫn còn là một đạo luật phức tạp với nhiều tranh cãi. Tuy nhiên các điều luật mới trong ACA cho thấy cố gắng của chính phủ Hoa Kỳ trong việc bảo vệ bệnh nhân trước những hành vi đòi tiền thô bạo.

Người Việt ở Hoa Kỳ đa số có thu nhập trung bình và thấp, do đó chúng ta nên truyền cho nhau biết những phương cách và thông tin hữu ích để tiết kiệm và tránh phải trả những khoản tiền oan uổng.



No comments:

Post a Comment

Featured Post

Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái

  From: VUONG DANG < Date: Sun, Nov 22, 2020 at 8:10 PM Subject: Fw: Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái/Why Slee...

Popular Posts