VIÊM XOANG DO VI TRÙNG
(Bacterial sinusitis)
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
(Bacterial sinusitis)
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
-
“Bác sĩ ơi, tuần trước tôi rát cổ họng, chảy mũi, nghẹt mũi, ho, người uể oải.
Hai ngày nay, mé bên phải mặt tôi thấy đau, nước mũi ra từ mũi phải lại có màu
vàng vàng, thế mới lạ!”.
Bệnh viêm các xoang quanh mũi do vi trùng hay xảy ra. Trong 100 trường hợp cảm, cúm, có 1-3 trường hợp bị biến chứng viêm xoang do vi trùng. (Người lớn ta nhiễm cảm, cúm 2-3 lần mỗi năm, trẻ con 6-10 lần). Mùa lạnh, mùa của cảm, cúm, chúng ta đang trong mùa lạnh.
Xoang (sinuses) là những hốc rỗng của xương mặt ở quanh mũi. Từ các xoang có các ống dẫn đổ vào mũi. Ta tưởng tượng mũi như một hồ lớn, các xoang quanh mũi, những hồ nhỏ. Chất tiết từ các xoang quanh mũi ví như nước, đổ vào hồ lớn là mũi qua những con lạch, suối con. Màng mũi sưng do cảm, cúm, hoặc dị ứng, có thể làm tắc các ống dẫn, các lạch, suối này, khiến chất tiết ứ đọng tại các xoang quanh mũi. Trong cơ thể ta, nơi nào có sự ứ đọng, nơi đó vi trùng sinh sôi nảy nở, tạo vấn đề.
Nhiều người bị dị ứng quanh năm mọc thịt dư trong mũi, mũi thêm nghẹt, viêm xoang cũng dễ xảy ra.
Ngoài ra, viêm xoang còn hay xảy ra trong những trường hợp sau:
- Vách mũi lệch, nên một bên mũi hẹp nhỏ (deviation of nasal septum).
- Bướu trong mũi.
- Nhiễm trùng răng, rồi nhiễm trùng lan lên xoang (dental infection).
- Màng mũi sưng do xịt các loại thuốc thông mũi như Afrin, Dristan quá lâu.
- Vật lạ trong mũi (trẻ em chơi nghịch, nhét vật lạ vào mũi).
- Màng mũi sưng do khói thuốc lá.
- Bơi, lặn dưới nước, hoặc mới đi phi cơ (barotrauma).
Triệu chứng
Viêm xoang cấp tính do vi trùng thường xảy ra sau một cơn cảm, cúm.
Mũi ta trông thế, mà không sạch đâu, trong chứa đầy những vi trùng (bacteria). Trong đám vi trùng ấy, ba con có tên Streptococcus pneumoniae, Hemphilus influenzae, Moraxella catarrhalis, hay từ mũi chui vào các xoang gây viêm xoang nhất.
Khi ta nhiễm cảm, cúm, các siêu vi (virus) cảm, cúm làm màng mũi sưng lên, gây nghẹt mũi, chảy mũi, hắt xì. Ta khó mà không khịt mũi, hỉ mũi. Những tác động hắt xì, khịt mũi, hỉ mũi, lùa các vi trùng có sẵn trong mũi vào những xoang quanh mũi. Màng mũi sưng cũng khiến ống dẫn từ các xoang đổ vào mũi dễ tắc. Các vi trùng đã vào trong các xoang rồi, tiện có sự ứ đọng nước, khí ở đấy, thừa cơ sinh sôi nảy nở, và gây viêm xoang.
Viêm xoang làm ta nóng sốt, nghẹt mũi, đau rát cổ họng, chảy nước mũi đặc, màu đục, vàng hoặc xanh, có khi hôi hôi. Ta ho khan hoặc có đờm, nhiều về ban đêm và sáng sớm, do mủ từ hốc mũi phía sau chảy xuống cổ họng. Nhiều người than đau mặt, nhức đầu bên bị viêm xoang, nhất là khi cúi đầu thấp. Có người đau cả tai, tai thấy nặng, đầy, hoặc tưởng mình đau răng. Có khi chỗ xoang viêm nhìn thấy sưng, sờ thấy đau trên mặt.
Nghẹt mũi, chảy mũi, đau rát cổ họng, ho, ... cũng là những triệu chứng của cảm hay cúm. Làm thế nào ta phân biệt được đây chỉ là cảm, cúm thường, không cần dùng đến trụ sinh (vừa tốn kém, chẳng ăn thua, cũng không ngừa được viêm xoang) hoặc đúng là bạn viêm xoang do vi trùng rồi, và cần dùng đến trụ sinh? Có hai điểm ta có thể dựa vào để phân biệt giữa cảm, cúm thường thôi, và viêm xoang do vi trùng:
- Các triệu chứng cảm sao nặng quá:
Ta nghĩ đến viêm xoang khi các triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi, đau rát cổ họng, ho, ... có vẻ nặng, làm bạn khó chịu hơn lúc bị cảm, cúm thường thôi. Nhất là nếu bạn có sốt cao trên 102.2 độ F (39 độ C), đau một bên mặt, chảy nước mũi đặc, đục, có màu. Các triệu chứng nặng, lại kéo dài đã 3-4 ngày rồi
chưa thấy giảm.
- Triệu chứng cảm sao lâu chưa bớt:
Các triệu chứng của cảm thường bắt đầu thuyên giảm trong vòng 5-7 ngày. Sang đến ngày thứ 10, đa số chúng ta, khi cảm xoàng, đã thấy khỏe lắm rồi: cổ họng hết đau, mũi bớt nghẹt, chảy, giọng thanh tao trở lại.
Nhưng sao sau 7-10 ngày, cổ vẫn rát, mũi vẫn nghẹt cứng, nước mũi vẫn chảy, còn đặc, có màu. Thôi chết, chắc viêm xoang do vi trùng mất rồi.
Dựa vào hai điểm dùng để phân biệt trên, đa số các trường hợp viêm xoang do vi trùng sẽ được nhận diện, và chữa bằng trụ sinh, sẽ rút lui mau chóng. Phim chụp tìm viêm xoang thường không cần thiết.
Chữa trị
Viêm xoang cấp tính do vi trùng cần chữa bằng trụ sinh, vì có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm xương mặt (osteomyelitis); nhiễm trùng hốc mắt; sưng màng óc (meningitis); bọc mủ trong óc; viêm các tĩnh mạch óc (cavernous vein thrombophebitis, một biến chứng rất nguy hiểm, đưa đến liệt các dây thần kinh số 3, 4, 5 và 6). Các biến chứng của viêm xoang xảy ra do vi trùng gây viêm xoang ăn vào xương, bò sang cả các cơ quan lân cận, hoặc vào máu, rồi theo máu lên óc.
Thuốc dùng chữa viêm xoang rất nhiều, từ những trụ sinh cũ Amoxil, Septra, Doxycycline, đến những thuốc mới Augmentin, Avelox, Vantin, Cefzil, Ceftin, Cedax, Levaquin, Lorabid, ...
Trụ sinh dùng cho đúng, phân lượng cho đủ, số lần uống mỗi ngày không thừa không thiếu, và trong thời gian phải lâu đủ. Đây là những nguyên tắc cơ bản để chữa mọi nhiễm trùng gây do vi trùng. Bây giờ, khi bị viêm xoang, bạn cần dùng thuốc trụ sinh bao lâu? Nếu không có gì ra ngoài dự tính, trong vòng 72 tiếng đồng hồ, dùng thuốc đều, thường bạn sẽ thấy các triệu chứng thuyên giảm nhiều, và yêu đời trở lại. Nhưng, bạn nên tiếp tục dùng thuốc cho đủ 7-10 ngày theo lời bác sĩ dặn, kẻo các vi trùng chưa bị tiêu diệt hẳn, sẽ phản công, làm phiền bạn nữa. Xin chớ tự ngưng thuốc, để dành đấy, sau này có việc gì cũng lấy ra dùng tự ý, hoặc đem thuốc làm quà tặng người thân. Tài liệu y khoa nào cũng nhắc nhở, trong cuộc chiến chống các vi trùng, trụ sinh là những vũ khí quí báu cần dùng thận trọng. Không cần thiết, thì đừng rút ra khỏi vỏ, khi phải dùng, đã rút ra khỏi vỏ, là phải chém chết quân thù, không nên nương tay. Dùng thuốc nào, phân lượng bao nhiêu, mấy lần mỗi ngày, thời gian nhiêu lâu, đã được nghiên cứu và định sẵn cho mỗi loại bệnh nhiễm trùng. Sử dụng trụ sinh lung tung, sẽ khiến nhiều vi trùng kháng thuốc, sau, khi thực sự cần đến thuốc, thì ôi thôi, thuốc không còn hiệu quả.
Cùng với việc dùng trụ sinh để diệt các vi trùng gây viêm xoang, nhiều bác sĩ cũng cổ võ việc dùng thêm những thuốc có tác dụng làm co màng mũi (gọi là decongestant). Màng mũi, sưng lên vì siêu vi khi nhiễm cảm, cúm, hoặc khi bị dị ứng, v.v., làm tắc các ống dẫn từ các xoang, khiến mủ máu trong các xoang không thoát ra được. Dưới tác dụng của thuốc co màng mũi, màng mũi sẽ bớt sưng, khiến mủ máu, trong chứa đầy vi trùng, từ các xoang dễ thoát ra ngoài, lượng vi trùng gây loạn trong xoang bớt đi, việc kiểm soát nhiễm trùng bằng trụ sinh sẽ dễ dàng hơn. Hít thở hơi nước nóng (từ một chậu nhỏ, hoặc trong khi tắm) cũng rất tốt, giúp vào việc chữa trị, vì làm mủ từ các xoang bớt đặc, dễ thoát ra ngoài.
Viêm xoang kéo dài
Định đúng, chữa trúng, thường bạn sẽ bắt đầu cảm thấy dễ chịu trong vòng 3 ngày, và sau 10 ngày, dùng thuốc đều theo chỉ dẫn của bác sĩ, bạn sẽ thơ thới hân hoan, vì các vi trùng đã chào thua, và căn bệnh rút lui.
Nhưng sau 10-30 ngày, các triệu chứng của bạn không thấy thuyên giảm, ta có thể nói bệnh viêm xoang của bạn thuộc loại kéo dài, kinh niên. Nó không còn cấp tính nữa. Ta nên xem xét lại vấn đề.
Thường, viêm xoang cấp tính do vi trùng (acute bacterial sinusitis) là bệnh hay xảy ra sau khi ta nhiễm cảm, cúm. Ngược lại, viêm xoang kinh niên (chronic sinusitis) thường có nguyên nhân sâu xa hơn thế. Trong các nguyên nhân sâu xa ấy, nhiều nhất vẫn là dị ứng mũi (allergy). Nếu quả vậy, dùng trụ sinh không thôi, không chữa dị ứng mũi, vấn đề chỉ tạm thời được giải quyết, nhưng rồi, sẽ mau chóng tái phát. Cho nên, khi bị viêm xoang kinh niên do dị ứng mũi (khiến màng mũi sưng lên đưa đến viêm xoang), ta tiếp tục trụ sinh, có khi phải đến 3-4 tuần lễ, đồng thời dùng thêm thuốc xịt mũi chứa chất steroid (như Nasonex, Beconase, Nasacort, ...) để chữa dị ứng mũi. Đây là những thuốc rất tốt có tác dụng chống dị ứng, giúp màng mũi bớt sưng. Thêm vào đấy, ta áp dụng những phương cách dùng chữa dị ứng mũi, như tìm cách nhận diện và tránh các tác nhân gây dị ứng. Những tác nhân hay gây dị ứng mũi nhiều nhất là bụi nhà, lông thú, và các phấn hoa bay ra từ cây, cỏ.
Ngoài dị ứng mũi, ta cũng nên xem xét bệnh viêm xoang kéo dài của bạn có do những nguyên nhân khác nữa chăng. Chẳng hạn bạn có hút thuốc lá (nếu có, bỏ hút đi thôi, bạn ơi), hoặc làm việc trong môi trường đầy những chất hóa học độc hại (noxious chemicals). Bạn có bơi, lặn dưới nước? Nước hồ bơi, khử trùng bằng những chất hóa học, vào mũi mau quá, có thể làm hư hoại màng mũi, gây viêm sưng, rồi đưa đến viêm xoang.
Hay bạn có bướu, thịt dư, vật lạ trong mũi? Bạn có bị chấn thương mũi thời gian gần đây? Hoặc màng mũi bạn viêm sưng, do những bệnh hiếm như “immunoglobulin deficiency” (cơ thể không tạo đủ kháng thể chống các bệnh nhiễm trùng), “cystic fibrosis” (khiến cơ chế đẩy những chất dơ trong mũi ra ngoài của màng mũi bị xáo trộn)?
Nếu triệu chứng của bạn kéo dài, thành kinh niên, và đôi ta phân vân không biết có đúng là bạn đang viêm xoang hay không, ở thời điểm này, ta có thể chụp phim Cat scan xoang (limited coronal CT scan) để xác định.
Viêm xoang cứng đầu
Cũng có loại viêm xoang ngoan cố, xảy ra hoài. Với những viêm xoang tái phát 3 lần hay hơn trong vòng 6 tháng, hoặc 4 lần mỗi năm, ta nên giao nó cho bác sĩ chuyên về dị ứng, để tìm xem nguyên nhân sâu xa nào cứ gây viêm xoang miết. Hoặc ta giao nó cho bác sĩ giải phẫu Tai-Mũi-Họng, để nhờ bàn tay, và dao kéo của bác sĩ giải phẫu sửa chữa hộ một bất thường trong mũi gây viêm xoang tái phát (như vách mũi lệch, thịt dư trong mũi, ...).
Thời gian gần đây, một nguyên nhân gây viêm xoang kéo dài hoặc cứ hay tái phát mới được nhận diện: viêm xoang gây do nấm (fungal sinusitis). Đặc điểm của viêm xoang do nấm là gây chảy nước mũi đặc sệt như bơ. Viêm xoang do nấm chữa bằng giải phẫu, và thuốc steroid như Prednisone. Viêm xoang do nấm có khi rất dữ, nguy hiểm, xâm lăng cả những cơ quan chung quanh, cần chữa mạnh tay bằng giải phẫu rộng, mổ khoét bỏ hết những chỗ nấm làm hư thối, và bằng những thuốc trị nấm mạnh truyền tĩnh mạch. Cũng may, viêm xoang do nấm ít khi xảy ra.
Đời vui, nhưng thỉnh thoảng viêm xoang phá bĩnh. Nhất là sau lúc ta cảm, cúm. Triệu chứng cảm, cúm nặng bất thường, hoặc kéo dài, đấy là lúc ta nghĩ đến viêm xoang do vi trùng. Không sao, dùng trụ sinh cho đúng, và cho đủ thời gian. Đồng thời, ngưng hút thuốc lá, nếu bạn đang hút thuốc. Nếu viêm xoang vẫn không lui, ta sẽ tìm những nguyên nhân tiềm ẩn, như dị ứng mũi, và chữa, đồng thời tiếp tục trụ sinh. Trong những trường hợp ta phân vân không biết có phải đúng viêm xoang hay không, phim chụp sẽ giúp giải đáp thắc mắc này.
BS Nguyễn Văn Đức
Bệnh viêm các xoang quanh mũi do vi trùng hay xảy ra. Trong 100 trường hợp cảm, cúm, có 1-3 trường hợp bị biến chứng viêm xoang do vi trùng. (Người lớn ta nhiễm cảm, cúm 2-3 lần mỗi năm, trẻ con 6-10 lần). Mùa lạnh, mùa của cảm, cúm, chúng ta đang trong mùa lạnh.
Xoang (sinuses) là những hốc rỗng của xương mặt ở quanh mũi. Từ các xoang có các ống dẫn đổ vào mũi. Ta tưởng tượng mũi như một hồ lớn, các xoang quanh mũi, những hồ nhỏ. Chất tiết từ các xoang quanh mũi ví như nước, đổ vào hồ lớn là mũi qua những con lạch, suối con. Màng mũi sưng do cảm, cúm, hoặc dị ứng, có thể làm tắc các ống dẫn, các lạch, suối này, khiến chất tiết ứ đọng tại các xoang quanh mũi. Trong cơ thể ta, nơi nào có sự ứ đọng, nơi đó vi trùng sinh sôi nảy nở, tạo vấn đề.
Nhiều người bị dị ứng quanh năm mọc thịt dư trong mũi, mũi thêm nghẹt, viêm xoang cũng dễ xảy ra.
Ngoài ra, viêm xoang còn hay xảy ra trong những trường hợp sau:
- Vách mũi lệch, nên một bên mũi hẹp nhỏ (deviation of nasal septum).
- Bướu trong mũi.
- Nhiễm trùng răng, rồi nhiễm trùng lan lên xoang (dental infection).
- Màng mũi sưng do xịt các loại thuốc thông mũi như Afrin, Dristan quá lâu.
- Vật lạ trong mũi (trẻ em chơi nghịch, nhét vật lạ vào mũi).
- Màng mũi sưng do khói thuốc lá.
- Bơi, lặn dưới nước, hoặc mới đi phi cơ (barotrauma).
Triệu chứng
Viêm xoang cấp tính do vi trùng thường xảy ra sau một cơn cảm, cúm.
Mũi ta trông thế, mà không sạch đâu, trong chứa đầy những vi trùng (bacteria). Trong đám vi trùng ấy, ba con có tên Streptococcus pneumoniae, Hemphilus influenzae, Moraxella catarrhalis, hay từ mũi chui vào các xoang gây viêm xoang nhất.
Khi ta nhiễm cảm, cúm, các siêu vi (virus) cảm, cúm làm màng mũi sưng lên, gây nghẹt mũi, chảy mũi, hắt xì. Ta khó mà không khịt mũi, hỉ mũi. Những tác động hắt xì, khịt mũi, hỉ mũi, lùa các vi trùng có sẵn trong mũi vào những xoang quanh mũi. Màng mũi sưng cũng khiến ống dẫn từ các xoang đổ vào mũi dễ tắc. Các vi trùng đã vào trong các xoang rồi, tiện có sự ứ đọng nước, khí ở đấy, thừa cơ sinh sôi nảy nở, và gây viêm xoang.
Viêm xoang làm ta nóng sốt, nghẹt mũi, đau rát cổ họng, chảy nước mũi đặc, màu đục, vàng hoặc xanh, có khi hôi hôi. Ta ho khan hoặc có đờm, nhiều về ban đêm và sáng sớm, do mủ từ hốc mũi phía sau chảy xuống cổ họng. Nhiều người than đau mặt, nhức đầu bên bị viêm xoang, nhất là khi cúi đầu thấp. Có người đau cả tai, tai thấy nặng, đầy, hoặc tưởng mình đau răng. Có khi chỗ xoang viêm nhìn thấy sưng, sờ thấy đau trên mặt.
Nghẹt mũi, chảy mũi, đau rát cổ họng, ho, ... cũng là những triệu chứng của cảm hay cúm. Làm thế nào ta phân biệt được đây chỉ là cảm, cúm thường, không cần dùng đến trụ sinh (vừa tốn kém, chẳng ăn thua, cũng không ngừa được viêm xoang) hoặc đúng là bạn viêm xoang do vi trùng rồi, và cần dùng đến trụ sinh? Có hai điểm ta có thể dựa vào để phân biệt giữa cảm, cúm thường thôi, và viêm xoang do vi trùng:
- Các triệu chứng cảm sao nặng quá:
Ta nghĩ đến viêm xoang khi các triệu chứng nghẹt mũi, chảy mũi, đau rát cổ họng, ho, ... có vẻ nặng, làm bạn khó chịu hơn lúc bị cảm, cúm thường thôi. Nhất là nếu bạn có sốt cao trên 102.2 độ F (39 độ C), đau một bên mặt, chảy nước mũi đặc, đục, có màu. Các triệu chứng nặng, lại kéo dài đã 3-4 ngày rồi
chưa thấy giảm.
- Triệu chứng cảm sao lâu chưa bớt:
Các triệu chứng của cảm thường bắt đầu thuyên giảm trong vòng 5-7 ngày. Sang đến ngày thứ 10, đa số chúng ta, khi cảm xoàng, đã thấy khỏe lắm rồi: cổ họng hết đau, mũi bớt nghẹt, chảy, giọng thanh tao trở lại.
Nhưng sao sau 7-10 ngày, cổ vẫn rát, mũi vẫn nghẹt cứng, nước mũi vẫn chảy, còn đặc, có màu. Thôi chết, chắc viêm xoang do vi trùng mất rồi.
Dựa vào hai điểm dùng để phân biệt trên, đa số các trường hợp viêm xoang do vi trùng sẽ được nhận diện, và chữa bằng trụ sinh, sẽ rút lui mau chóng. Phim chụp tìm viêm xoang thường không cần thiết.
Chữa trị
Viêm xoang cấp tính do vi trùng cần chữa bằng trụ sinh, vì có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm xương mặt (osteomyelitis); nhiễm trùng hốc mắt; sưng màng óc (meningitis); bọc mủ trong óc; viêm các tĩnh mạch óc (cavernous vein thrombophebitis, một biến chứng rất nguy hiểm, đưa đến liệt các dây thần kinh số 3, 4, 5 và 6). Các biến chứng của viêm xoang xảy ra do vi trùng gây viêm xoang ăn vào xương, bò sang cả các cơ quan lân cận, hoặc vào máu, rồi theo máu lên óc.
Thuốc dùng chữa viêm xoang rất nhiều, từ những trụ sinh cũ Amoxil, Septra, Doxycycline, đến những thuốc mới Augmentin, Avelox, Vantin, Cefzil, Ceftin, Cedax, Levaquin, Lorabid, ...
Trụ sinh dùng cho đúng, phân lượng cho đủ, số lần uống mỗi ngày không thừa không thiếu, và trong thời gian phải lâu đủ. Đây là những nguyên tắc cơ bản để chữa mọi nhiễm trùng gây do vi trùng. Bây giờ, khi bị viêm xoang, bạn cần dùng thuốc trụ sinh bao lâu? Nếu không có gì ra ngoài dự tính, trong vòng 72 tiếng đồng hồ, dùng thuốc đều, thường bạn sẽ thấy các triệu chứng thuyên giảm nhiều, và yêu đời trở lại. Nhưng, bạn nên tiếp tục dùng thuốc cho đủ 7-10 ngày theo lời bác sĩ dặn, kẻo các vi trùng chưa bị tiêu diệt hẳn, sẽ phản công, làm phiền bạn nữa. Xin chớ tự ngưng thuốc, để dành đấy, sau này có việc gì cũng lấy ra dùng tự ý, hoặc đem thuốc làm quà tặng người thân. Tài liệu y khoa nào cũng nhắc nhở, trong cuộc chiến chống các vi trùng, trụ sinh là những vũ khí quí báu cần dùng thận trọng. Không cần thiết, thì đừng rút ra khỏi vỏ, khi phải dùng, đã rút ra khỏi vỏ, là phải chém chết quân thù, không nên nương tay. Dùng thuốc nào, phân lượng bao nhiêu, mấy lần mỗi ngày, thời gian nhiêu lâu, đã được nghiên cứu và định sẵn cho mỗi loại bệnh nhiễm trùng. Sử dụng trụ sinh lung tung, sẽ khiến nhiều vi trùng kháng thuốc, sau, khi thực sự cần đến thuốc, thì ôi thôi, thuốc không còn hiệu quả.
Cùng với việc dùng trụ sinh để diệt các vi trùng gây viêm xoang, nhiều bác sĩ cũng cổ võ việc dùng thêm những thuốc có tác dụng làm co màng mũi (gọi là decongestant). Màng mũi, sưng lên vì siêu vi khi nhiễm cảm, cúm, hoặc khi bị dị ứng, v.v., làm tắc các ống dẫn từ các xoang, khiến mủ máu trong các xoang không thoát ra được. Dưới tác dụng của thuốc co màng mũi, màng mũi sẽ bớt sưng, khiến mủ máu, trong chứa đầy vi trùng, từ các xoang dễ thoát ra ngoài, lượng vi trùng gây loạn trong xoang bớt đi, việc kiểm soát nhiễm trùng bằng trụ sinh sẽ dễ dàng hơn. Hít thở hơi nước nóng (từ một chậu nhỏ, hoặc trong khi tắm) cũng rất tốt, giúp vào việc chữa trị, vì làm mủ từ các xoang bớt đặc, dễ thoát ra ngoài.
Viêm xoang kéo dài
Định đúng, chữa trúng, thường bạn sẽ bắt đầu cảm thấy dễ chịu trong vòng 3 ngày, và sau 10 ngày, dùng thuốc đều theo chỉ dẫn của bác sĩ, bạn sẽ thơ thới hân hoan, vì các vi trùng đã chào thua, và căn bệnh rút lui.
Nhưng sau 10-30 ngày, các triệu chứng của bạn không thấy thuyên giảm, ta có thể nói bệnh viêm xoang của bạn thuộc loại kéo dài, kinh niên. Nó không còn cấp tính nữa. Ta nên xem xét lại vấn đề.
Thường, viêm xoang cấp tính do vi trùng (acute bacterial sinusitis) là bệnh hay xảy ra sau khi ta nhiễm cảm, cúm. Ngược lại, viêm xoang kinh niên (chronic sinusitis) thường có nguyên nhân sâu xa hơn thế. Trong các nguyên nhân sâu xa ấy, nhiều nhất vẫn là dị ứng mũi (allergy). Nếu quả vậy, dùng trụ sinh không thôi, không chữa dị ứng mũi, vấn đề chỉ tạm thời được giải quyết, nhưng rồi, sẽ mau chóng tái phát. Cho nên, khi bị viêm xoang kinh niên do dị ứng mũi (khiến màng mũi sưng lên đưa đến viêm xoang), ta tiếp tục trụ sinh, có khi phải đến 3-4 tuần lễ, đồng thời dùng thêm thuốc xịt mũi chứa chất steroid (như Nasonex, Beconase, Nasacort, ...) để chữa dị ứng mũi. Đây là những thuốc rất tốt có tác dụng chống dị ứng, giúp màng mũi bớt sưng. Thêm vào đấy, ta áp dụng những phương cách dùng chữa dị ứng mũi, như tìm cách nhận diện và tránh các tác nhân gây dị ứng. Những tác nhân hay gây dị ứng mũi nhiều nhất là bụi nhà, lông thú, và các phấn hoa bay ra từ cây, cỏ.
Ngoài dị ứng mũi, ta cũng nên xem xét bệnh viêm xoang kéo dài của bạn có do những nguyên nhân khác nữa chăng. Chẳng hạn bạn có hút thuốc lá (nếu có, bỏ hút đi thôi, bạn ơi), hoặc làm việc trong môi trường đầy những chất hóa học độc hại (noxious chemicals). Bạn có bơi, lặn dưới nước? Nước hồ bơi, khử trùng bằng những chất hóa học, vào mũi mau quá, có thể làm hư hoại màng mũi, gây viêm sưng, rồi đưa đến viêm xoang.
Hay bạn có bướu, thịt dư, vật lạ trong mũi? Bạn có bị chấn thương mũi thời gian gần đây? Hoặc màng mũi bạn viêm sưng, do những bệnh hiếm như “immunoglobulin deficiency” (cơ thể không tạo đủ kháng thể chống các bệnh nhiễm trùng), “cystic fibrosis” (khiến cơ chế đẩy những chất dơ trong mũi ra ngoài của màng mũi bị xáo trộn)?
Nếu triệu chứng của bạn kéo dài, thành kinh niên, và đôi ta phân vân không biết có đúng là bạn đang viêm xoang hay không, ở thời điểm này, ta có thể chụp phim Cat scan xoang (limited coronal CT scan) để xác định.
Viêm xoang cứng đầu
Cũng có loại viêm xoang ngoan cố, xảy ra hoài. Với những viêm xoang tái phát 3 lần hay hơn trong vòng 6 tháng, hoặc 4 lần mỗi năm, ta nên giao nó cho bác sĩ chuyên về dị ứng, để tìm xem nguyên nhân sâu xa nào cứ gây viêm xoang miết. Hoặc ta giao nó cho bác sĩ giải phẫu Tai-Mũi-Họng, để nhờ bàn tay, và dao kéo của bác sĩ giải phẫu sửa chữa hộ một bất thường trong mũi gây viêm xoang tái phát (như vách mũi lệch, thịt dư trong mũi, ...).
Thời gian gần đây, một nguyên nhân gây viêm xoang kéo dài hoặc cứ hay tái phát mới được nhận diện: viêm xoang gây do nấm (fungal sinusitis). Đặc điểm của viêm xoang do nấm là gây chảy nước mũi đặc sệt như bơ. Viêm xoang do nấm chữa bằng giải phẫu, và thuốc steroid như Prednisone. Viêm xoang do nấm có khi rất dữ, nguy hiểm, xâm lăng cả những cơ quan chung quanh, cần chữa mạnh tay bằng giải phẫu rộng, mổ khoét bỏ hết những chỗ nấm làm hư thối, và bằng những thuốc trị nấm mạnh truyền tĩnh mạch. Cũng may, viêm xoang do nấm ít khi xảy ra.
Đời vui, nhưng thỉnh thoảng viêm xoang phá bĩnh. Nhất là sau lúc ta cảm, cúm. Triệu chứng cảm, cúm nặng bất thường, hoặc kéo dài, đấy là lúc ta nghĩ đến viêm xoang do vi trùng. Không sao, dùng trụ sinh cho đúng, và cho đủ thời gian. Đồng thời, ngưng hút thuốc lá, nếu bạn đang hút thuốc. Nếu viêm xoang vẫn không lui, ta sẽ tìm những nguyên nhân tiềm ẩn, như dị ứng mũi, và chữa, đồng thời tiếp tục trụ sinh. Trong những trường hợp ta phân vân không biết có phải đúng viêm xoang hay không, phim chụp sẽ giúp giải đáp thắc mắc này.
BS Nguyễn Văn Đức
No comments:
Post a Comment