Thursday, January 17, 2013

XỬ DỤNG NỌC RẮN TRONG Y KHOA


From: Tran Ho
Subject:  :XỬ DỤNG NỌC RẮN TRONG Y KHOA

 

XỬ DỤNG NỌC RẮN TRONG Y KHOA


Trần-Đăng Hồng, PhD

Cờ của Tổ Chức Y Tế Quốc Tế (World Health Organization, WHO) với biểu tượng con rắn

Cờ của Tổ Chức Y Tế Quốc Tế (World Health Organization, WHO) với biểu tượng con rắn

Trên khắp thế giới, hình tượng con rắn quấn quanh cây gậy (Rod of Asclepius) là biểu tượng của y học và y tế, mà

chúng ta có thể thấy trên bảng hiệu của nhà thuốc tây, nhà thương, hay cơ quan y tế, v.v. Biểu tượng y tế này bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp về thần Asclepius, con trai của thần Apollo và Koronis, là vị thần chửa bịnh, được thờ ở nhiều ngôi đền gọi là asclepieion, cũng là nơi dân chúng đến chửa bịnh hiểm nghèo. Theo huyền thoại, một ngày nọ, Asclepius quan sát một con rắn đang xử dụng dược thảo và ông học được cách chửa bịnh để trường-sinh-bất-tử. Để ngăn chận loài người trường sinh bất tử do Asclepius chửa trị, thượng đế Zeus bèn tạo sét giết Asclepius để cho con người phải chết, tạo điều khác biệt giữa người với các vị thần trường sinh.

Tượng Asclepius với con rắn biểu tượng

Tượng Asclepius với con rắn biểu tượng

Để vinh danh thần Asclepius, rắn được con người dùng để chửa trị bịnh. Vào thời trước Tây Lịch, những con rắn không nọc độc được thả bò tự do trong hành lang trước phòng ngủ của bịnh nhân hay người bị thương tật đến chửa trị tại các ngôi đền này. Bịnh nhân được ngủ trong một phòng lớn. Nếu ai được rắn bò qua mình và liếm vào vết thương thì sẽ lành bịnh. Ngoài ra, ai có giấc chiêm bao trong đêm này được xem như lời chỉ dạy của thần linh về cách chửa bịnh cho mình. Sáng ngày, mỗi bịnh nhân kể lại chiêm bao cho vị trụ trì ngôi đền, vị này sẽ diễn dịch giấc mơ để chọn một cách chửa trị, sau đó cho uống một loại nước được làm phép lấy từ một dòng suối nước khoáng trong khuôn viên.

Một huyền thoại khác kể rằng nữ hoàng vương quốc Athena tên Creusa, vốn là là con cháu của thần rắn Erichthonios, cho Asclepius một ống máu lấy từ một trong ba chị em quái vật Gorgons có tên Stheno, Euryale và Medusa, có hình dạng người mà tóc là các con rắn độc. Nếu máu này lấy từ phía trái của Gorgon thì là một loại thuốc độc chết người, còn lấy từ bên phải của Gorgon thì có khả năng cải tử hoàn sinh, làm người chết sống lại. Cũng thần thoại này, chi tiết khác là máu của Medusa có tác dụng cải tử hoàn sinh, còn lấy từ các con rắn mọc trên đầu là thuốc độc.

Hippocrates (460 BC –370 BC) được xem là cha đẻ của nền y khoa hiện đại. Trên khắp thế giới, và tại Việt Nam, bác sỉ tốt nghiệp phải tuyên thệ “Lời thề Hippocrates” (Hippocratic oath) trong đó có nhắc đến thần Asclepius: “I swear by Apollo the Physician and by Asclepius and by Hygieia and Panacea and by all the gods …” “Tôi xin thề trước Apollo thần chữa bịnh, trước Asclepius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ ….”.

Rắn quấn quanh cây gậy biểu tượng y tế

Rắn quấn quanh cây gậy biểu tượng y tế

Rắn lột da nên là biểu tượng của hồi xuân, trẻ mải không già. Rắn cũng biểu tượng cho công việc của người thầy thuốc, đương đầu giữa cái sống và cái chết, giữa sức khỏe và bịnh tật, thuốc chửa trị cũng là liều thuốc độc chết người nếu không đúng bịnh, hay đúng liều lượng. Ở Hy Lạp, từ thời xa xưa, rắn cũng như nọc rắn được dùng làm thuốc chửa trị nhiều bịnh nan y, nhưng nọc rắn cũng làm chết người. Ngày nay, nọc rắn được dùng để chửa trị nhiều bịnh.

Tại Việt Nam, ngày xưa cũng như ngày nay, uống máu rắn hổ pha trong rượu coi như thuốc bổ. Rượu ngâm rắn hổ trị đau lưng, thận hư, suy nhược. Tam-xà-tửu gồm rắn hổ, rắn ráo, rắn mái gầm được ngâm chung. Còn nếu thêm vào Tam-Xà-Tửu rắn lục và rắn cạp nia thì gọi là Ngũ-Xà-Tửu. Các loại rượu rắn này được cho là rượu rắn quí, trị suy nhược.

Cấu tạo của nọc rắn

Rắn hổ mang (cobras), rắn lục (vipers) và một số loài rắn khác có nọc rất độc làm chết người. Rắn dùng nọc chích vào cơ thể con mồi để làm bất động hay giết con mồi trước khi nuốt trọng. Nọc rắn là một biến dạng của nước miếng, được sản xuất bởi một tuyến nối liền với răng nanh (fangs) ở hàm trên. Nọc độc có tính chọn lựa riêng biệt, nghĩa là độc cho loại động vật này nhưng ít độc cho động vật khác. Đa số rắn ăn chuột, nên rất độc với chuột, nhưng có thể vô hại với người. Dầu không độc làm chết người, nọc rắn nào cũng có độc tố giúp tiêu hủy tế bào để tiêu hóa con mồi, nên nọc nắn đều có tính chất hủy hoại tế bào.

Nọc rắn là một hợp chất chứa nhiều loại proteins, gồm độc tố phá hủy hệ thần kinh (neurotoxins và bungarotoxins), phá hủy bộ tuần hoàn (hemotoxins), phá hủy tế bào (cytotoxins), và nhiều loại độc tố khác ảnh hưởng đến cơ thể. Ngoài ra, nọc rắn nào cũng chứa hyaluronidase, một enzyme giúp nọc độc mau chóng truyền nhanh vào cơ thể. Hiện tại, các nhà khoa học mới biết được 24 loại độc tố trong nọc rắn, trong số hàng ngàn proteins chứa trong nọc.

Chỉ trong tích tắc sau khi bị rắn độc như rắn hổ mang, rắn lục, rắn rung chuông (rattle snake) cắn, nạn nhân đau đớn kinh khủng, nơi bị cắn nóng bỏng, sưng vù. Tiếp theo là áp huyết hạ nhanh chóng, đầu óc choáng váng, rồi liệt xụi, bất tỉnh. Máu ở mũi, ở họng trào ra. Nếu không cứu chửa kịp thời, cái chết chắn chắn sau đó. Có hàng ngàn loại độc tố trong nọc rắn, mà một trong các phân tử này có áp dụng y học rộng lớn là disintegrins có khả năng làm tan các cục máu (blood clot), ngăn chận tế bào ung thư phát tán (cancer spreading) và tiêu diệt mầm ung thư. Disintegrins đã được xử dung để bào chế thuốc ngăn ngừa hay điều trị bịnh đột tử do tim mạch (heart attack), đột quị (stroke) và ung thư.

Trung tâm Nghiên Cứu Độc Tố Thiên Nhiên (Natural Toxins Research Center, NTRC), trong đó có Trung Tâm Rắn Độc (The Viper Resource Center, VRC) là trung tâm nghiên cứu lớn nhất về nọc rắn trên thế giới. Trung tâm có một cơ sở nuôi rắn (serpentarium) tọa lạc trong Đại học Texas A & M University-Kingville (TAMUK) với khoảng 400 con rắn độc trong 29 loài rắn độc sưu tập trên khắp thế giới. Trung tâm có nhiệm vụ gầy giống, lai tạo, trích nọc độc, tồn trữ nọc, lập database, và phân phối đến các học viện y khoa, các nhà nghiên cứu, công cũng như công ty tư để nghiên cứu hay bào chế thuốc từ nọc rắn.

Ngoài các động vật bò sát khác như cá sấu, kỳ nhông, v.v. cơ sở Reptile World Serpentarium ở St. Cloud, Florida còn nuôi các loại rắn độc như cobras, mambas, rattlesnakes, trăn pythons v.v. Hàng năm, cơ sở này cung cấp nọc rắn độc cho hơn 300 đại học, các công ty sản xuất thuốc để nghiên cứu y học, sản xuất thuốc trị nọc rắn, hay các loại thuốc khác. Ần Độ có Haffkine Institute ở Mumbai cũng sản xuất nọc rắn và nghiên cứu y học.

Lấy nọc rắn

Lấy nọc rắn

Bắt nguồn từ công việc chửa trị bịnh nhân bị rắn cắn tại Bịnh viện Đa khoa ở Penang, Mả Lai, từ năm 1952 bác sỉ người Anh Hugh Alistair Reid đặc biệt quan tâm nghiên cứu về nọc cực độc của rắn biển (Enhydrina schistosa) và rắn lục Mả lai (Calloselasma rhodostoma), và ông nổi danh thế giới từ đó. Năm 1961, ông sáng lập Học Viện Nghiên Cứu Rắn và Nọc Rắn ở Penang. Ông nhận xét thấy rằng bịnh nhân bị rắn độc cắn thì áp huyệt hạ thấp, máu không bị đóng cục. Ông thử nghiệm nọc rắn với liều lượng thật loảng để trị một số bịnh mạch máu tắc nghẽn vì hiện tượng máu đóng cục. Ông là người đầu tiên đề xướng việc xử dụng một số thành phần cấu tạo của nọc rắn để làm thuốc chửa trị các bịnh do máu đóng cục như đột quị, tim mạch, hay hạ huyết áp ở bịnh nhân cao áp huyết.

Năm 1968, chất Ancrod được tinh chế từ nọc rắn lục Mả Lai để biến chế thành thuốc Arvin trị bịnh đột quị hay ngăn ngừa đột quị. Ancrod không những có khả năng làm máu không đông đặc. mà còn làm tan những cục máu đông trong huyết quản đã đóng cục trong 6 giờ.

Sau đó, từ 1998, trên thị trường có 2 loại thuốc chế tạo từ nọc rắn. Thuốc Eptifibatide biến chế từ nọc rắn-rung-chuông, và thuốc Tirofiban từ nọc rắn lục Phi châu. Cả hai thuốc này trị bịnh đau tim nhẹ và đau ngực (chest pain), triệu chứng của đau tim. Công ty dược phẩm Merk cũng có Aggrastat bào chế từ nọc rắn giúp ngăn ngừa máu đóng cục, ngăn ngừa đột tử do tim, hay đau ngực.

Dr Hugh Alistair Reid sửa soạn lấy nọc rắn từ rắn rung chuông rattle snake tại phòng nghiên cứu mang tên ông - Alistair Reid Venom Research Unit, Liverpool School of Tropical Medicine, Anh quốc.

Dr Hugh Alistair Reid sửa soạn lấy nọc rắn từ rắn rung chuông rattle snake tại phòng nghiên cứu mang tên ông – Alistair Reid Venom Research Unit, Liverpool School of Tropical Medicine, Anh quốc.

Mới đây, các nhà nghiên cứu Anh hợp tác với các nhà nghiên cứu Brazil đã tìm được một loại thuốc hửu hiệu để trị bịnh cao-áp huyết. Một khi bị một loại rắn lục Brazil cắn, bịnh nhân bất tỉnh tức thì, lý do là áp huyết đột ngột hạ thấp. Các nhà khoa học này khám phá rằng trong nọc rắn lục Brazil có một chất làm vô hiệu một enzyme có nhiệm vụ điều hòa áp xuất máu mang tên ACE (Angiotensin-converting enzyme) Từ các khám phá này, các công ty dược phẩm đã chế tạo được thuốc trị bịnh cao-áp huyết.

Ngoài việc chống máu đông cục và hạ áp-huyết, nọc rắn còn có khả năng chống sự sinh sản lan tràn tế bào ung thư. Các tế bào ung thư lan truyền đến cơ quan khác qua máu lưu thông. Sự lan nhiễm tế bào ung thư tùy thuộc vào việc tế bào ung thư có bị dính víu vào tế bào khỏe mạnh của cơ quan khác hay không. Nếu nó dính chặt vào một cơ quan nào đó trên đường di chuyển theo dòng máu, tế bào ung thư sẽ sinh sản gây ung thư ở cơ quan này. Máu đóng cục, hay dòng máu lưu thông bị tắc nghẽn giúp cơ hội cho tế bào ung thư đình đậu ở cơ quan mới, sinh sôi nẩy nở. Dr Francis Markland, University of Southern California tại Los Angeles nghiên cứu cho biết xử dụng các proteins thích hợp chứa trong nọc rắn, giúp máu lưu thông dễ dàng, máu không tạo các cục máu nhỏ thì có thể ngăn ngừa tế bào ung thư phát tán đến cơ quan khác, và vì thiếu thức ăn do không được tế bào khỏe mạnh cung cấp, tế bào ung thư chết. Ông đã tìm được một disintegrin trong nọc rắn ngăn ngừa được sự phát tán tế bào ung thư, khi thử nghiệm trên chuột. Disintegrin này mang tên Contortrostatin. Cũng cần biết là hiện nay đã có nhiều loại thuốc để hóa-trị-liệu (chemotherapy), nhưng chúng giết tế bào ung thư và cả tế bào khỏe mạnh. Ngược lại contortrostatin chỉ giết tế bào ung thư mà thôi.

Tại sao nọc rắn mamba Phi châu mảnh liệt đến độ voi và hưu cao cổ ngả quị tức khắc khi bị rắn này cắn, còn con người thì chết sau 20 phút sau khi cắn. Dr. Krishna Baksi ở Universidad Central Del Caribe nước Puerto Rico nghiên cứu về nọc rắn này dưới sự tài trợ của cơ quan NIH Hoa Kỳ. Ông khám phá rằng nọc rắn này có nhiều loại proteins đánh vào hệ thần kinh não bộ. Ở con người, có 5 loại cảm-nhận (receptors) đặc thù, mỗi loại có một vai trò trong việc phát triển các bịnh hen suyễn (asthma), bịnh run-rẫy-tay-chân (Parkinson), lú lẫn (Alzheimer) và một số bịnh đau nhức. Các nhà nghiên cứu cố tìm các loại thuốc có khả năng làm thay đổi hoạt động của các cảm-nhận đặc thù này, và nếu thành công thì các bịnh nói trên được chửa trị. Việc khó khăn hiện nay là chưa tìm được loại thuốc chỉ làm biến đổi một cảm-nhận đặc thù riêng biệt cho một loại bịnh, bởi vì ít ai vừa có bịnh lú lẫn vừa bịnh run rẫy cùng lúc, trong lúc thuốc trị làm biến đổi mọi cảm nhận của nhiều bịnh. May mắn là trong nọc rắn mamba Phi châu có đủ các loại proteins làm biến thể từng loại cảm-nhận riêng biệt trên tế bào hệ thần kinh. Việc đang nghiên cứu là tách biệt từng loại protein, nghiên cứu cách cấu trúc và hoạt động của các protein này trên tế bào thần kinh. Nếu thành công, sẽ có những dược phẩm trị liệu các bịnh do nhiễu loạn hệ thần kinh này.

Năm 2002, một nông gia người Anh ở Northampton bị bịnh viêm-khớp trầm trọng (arthritis) bị một con rắn độc cắn. Không ngờ, kể từ đó ông ta không còn bị đau nhức và bịnh viêm-khớp tự nhiên biến mất. Sự kiện tình cờ này đưa đến các nghiên cứu về nọc rắn hổ mang Ấn Độ để chửa trị bịnh viêm-khớp, và hiện nay đã có thuốc thoa xức hiệu quả trị bịnh này. Tiếp theo đó là nghiên cứu nọc rắn lục Palestine. Có khoảng 1000 phân tử proteins trong nọc rắn này, tuy nhiên chỉ có 4 hay 5 proteins độc tố mà thôi. Các nhà phân tích phân tử thành công trích được chất VeP-3, làm êm dịu chứng đau nhức của bất cứ bịnh đau nhức nào.

Mới đây (2012), một nghiên cứu liên hợp Anh-Úc cho biết các gene chi phối việc sản xuất nọc độc ở rắn có thể được biến đổi để rắn chỉ sản xuất các proteins không mang độc tố, hữu dụng cho việc bào chế thuốc trị bị đái đường (diabete) và ung thư.

Reading, 1/2013

Trần-Đăng Hồng, PhD

 

 

No comments:

Post a Comment

Featured Post

Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái

  From: VUONG DANG < Date: Sun, Nov 22, 2020 at 8:10 PM Subject: Fw: Đây là lý do tại sao bạn nên nằm ngủ nghiêng về bên trái/Why Slee...

Popular Posts